Sự ra đời của nhà nước Văn Lang gắn liền với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Theo đó, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra các dân tộc Việt. Cũng chính bởi truyền thuyết này mà nhân dân ta tự gọi mình là Con Rồng cháu Tiên, gọi nhau là đồng bào (cùng bọc) để thể hiện tình yêu thương, đoàn kết và niềm tự hào dân tộc.
Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”
Văn Lang là một nước độc lập, tự chủ, có lãnh thổ, luật pháp riêng, xã hội phát triển thịnh vượng cùng đời sống văn hóa trù phú đến nỗi đi vào truyền thuyết dân tộc cho đến tận ngày nay.
Vào khoảng thế kỷ VII trước công nguyên, trên cơ sở phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nhà nước cổ đại đầu tiên ở Việt Nam là nhà nước Văn Lang ra đời , với kinh đô Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay).
Đến khoảng thế kỷ III trước Công nguyên (258 TCN), nhà nước Văn Lang ngày càng suy yếu, nhân thời cơ đó Thục Phán An Dương Vương đã thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt lập ra nhà nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Do đó, dân gian quan niệm rằng nước Văn Lang đời trong thời kỳ của các vị vua Hùng cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm văn hiến.
Sự ra đời của nhà nước Văn Lang gắn liền với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Theo đó, Lạc Long Quân (là cháu 5 đời của Thần Nông) cùng vợ là Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh được 100 người con trai; 50 người theo cha về bờ Biển Đông, 50 người theo mẹ về núi và suy tôn người con cả lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ.
Quốc gia Văn Lang và thời đại của các vị vua Hùng là có thực trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đó là thời đại mà đất nước ta có cương vực, tên nước, chế độ xã hội, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng riêng. Tất cả những cái đó là nền móng và trở thành ý thức, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động; giản dị, phóng khoáng, đoàn kết trong cuộc sống; anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm. Tất cả những giá trị đó đã trở thành tài sản vô cùng quý báu để dân tộc ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Cương vực lãnh thổ nhà nước Văn Lang
Trang phục của cư dân Văn Lang
Để tưởng nhớ các vị vua Hùng đã “có công dựng nước”, nhân dân ta lập đền thờ các vua Hùng tại Việt Trì – Phú Thọ và không quên nhắc nhở nhau:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”.
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, toàn dân ta đều long trọng tố chức ngày Giỗ Tổ rất trọng thể và trang nghiêm. Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng