Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước phương Tây, hoàn toàn chiếm ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, công nghệ quân sự.
Thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng (1858)
Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp Bản Hiệp ước Pa-tơ-nốt, chấm dứt sự tồn tại của triều đình nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đặt Việt Nam trước ách đô hộ của thực dân Pháp (thời Pháp thuộc) cho đến cách mạng tháng 8 năm 1945.
Với truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất, trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 (1858-1896), đông đảo nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã anh dũng chiến đấu, tích cực cùng quan quân triều đình hoặc tự mình đứng lên chống thực dân Pháp. Mặc dù thực dân Pháp khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể đè bẹp tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi trong cả nước. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên lần lượt thất bại.
3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Phải kể đến thắng lợi ý nghĩa nhất là sự thành công của CMT8/1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn) thoái vị, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba của lịch sử Việt Nam, sau bài thơ thần
Nam quốc sơn hà ở thế kỷ X và
Bình Ngô đại cáo của
Nguyễn Trãi viết năm 1428.