Đặc biệt với các lứa học sinh đầu cấp, vai trò của GVCN lại càng quan trọng hơn bởi học sinh đầu cấp còn nhiều bỡ ngỡ, vụng dại, chưa quen với môi trường mới. Các con học sinh càng cần một giáo viên chủ nhiệm tận tâm và nhiệt tình. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm đầu cấp, trong tháng 9, trường THCS Thanh Am đã tổ chức ngày Chuyên môn với chủ đề: Kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp 6.
Phần sinh hoạt chủ đề gồm có 4 nội dung vô cùng thiết thực: Các bước tìm hiểu lớp; Một số chuẩn bị cho cuộc họp PH đầu năm; Cách tiếp xúc với học sinh lớp mình chủ nhiệm; Giải quyết các vấn đề trong lớp và giờ sinh hoạt.
Nhóm chủ nhiệm đã đưa ra các bước để tìm hiểu lớp như: Thu thập thông tin cá nhân hs và các thông tin khác; Thu thập thông tin từ phụ huynh bằng việc lồng ghép các ứng dụng biểu mẫu trên google form. Đồng thời, trong khi tình hình dịch covid còn diễn biến phức tạp, các con học sinh chưa thể đến trường, nhóm GVCN cũng gợi ý 1 số cách: Gặp gỡ làm quen, giới thiệu về trường lớp, và học nội quy đối với học sinh lớp 6; Hướng dẫn hs cách ghi chép bài, soạn bài và làm bài tập trước khi đến lớp.
Bên cạnh đó, trong quá trình học, để đảm bảo việc tiếp thu kiến thức đồng đều, các con thêm đoàn kết, nêu cao tinh thần đôi bạn cùng tiến thì GVCN tổ chức: Phân nhóm đối tượng hs, sắp xếp hs học khá giỏi kèm các bạn học trung bình, những hs bạo dạn ngồi cùng hs nhút nhát để từ đó có hướng đi phù hợp trong việc dạy và rèn luyện các em. GV thường xuyên kiểm tra sách vở và cách ghi chép bài của hs; Đưa ra quy định về thi đua trong lớp: khen thưởng, kỉ luật…Sắp xếp chỗ ngồi của học sinh hợp lý bởi chỗ ngồi có tác động tâm lí rất lớn đến các em. Nhóm GVCN cũng gợi ý một vài tình huống mà GV nên tránh như: để các em học sinh yếu, hay nói chuyện ngồi bên nhau, xếp những em bị bệnh về mắt, các em thấp, bé ngồi bàn cuối vì như vậy sẽ rất ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh.
Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, nhóm chủ nhiệm cũng đưa ra một số cách giao tiếp với phụ huynh, học sinh, lắng nghe ý kiến từ PH và HS, xử lý các vấn đề trong lớp cũng như tổ chức các tiết sinh hoat lớp sao cho thú vị thông qua các trò chơi học tập như Bingo, ClassDojo, vv…
Công tác chủ nhiệm là một nhiệm vụ rất đặc biệt. GVCN cùng một lúc phải đảm nhiệm nhiều vài trò: một hiệu trưởng nhỏ (trong việc quản lí, điều hành mọi hoạt động phong trào của lớp chủ nhiệm cho khoa học, hiệu quả, phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về những vấn đề diễn ra trong lớp mình), một cầu nối đa năng giữa gia đình, học sinh với nhà trường, một người bạn lớn, một người cha, một người mẹ thứ hai của các em và đôi khi cũng phải là một nghệ sĩ “thật ngầu”… Tức là cùng một lúc GVCN phải đóng nhiều vai trò mà vai trò nào cũng phải hoàn thành xuất sắc. Đây là một thử thách không nhỏ, nhưng đồng thời cũng là một môi trường tốt cho GV rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Câu chuyện của giáo viên chủ nhiệm sẽ còn dài với nhiều kỉ niệm. Lý thuyết về giáo dục nói chung, về chủ nhiệm nói riêng ngày càng nhiều lên như sự phát triển chóng mặt của công nghệ thời kì 4.0, đối tượng học sinh cũng ngày càng phức tạp. Bởi vậy, trong bối cảnh mà nói vui là “thầy đồ cóc dạy yêu tinh học bài”, mỗi một thầy cô giáo lại có một phương pháp chủ nhiệm riêng, một bí kíp riêng phù hợp với học sinh của mình. Và việc nhà trường chú trọng tới công tác bồi dưỡng kinh nghiệm cho GVCN là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Ngày sinh hoạt chuyên môn đã mang đến những kinh nghiệm bổ ích đối với các cán bộ giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại trường THCS Thanh Am.