Cụ thể, để giúp học sinh hiểu rõ hơn về xâm hại tình dục, các em được hướng dẫn nguyên tắc về “vùng đồ bơi”. Theo đó, những vùng kín che chắn khi mặc đồ bơi được xem là khu vực bí mật, không ai được nhìn, nói đến, chạm, sờ hoặc làm đau. Trừ trường hợp khi bố mẹ làm vệ sinh cho các con hoặc bác sĩ khám. Tuy nhiên, trường hợp đi khám, các con phải có bố mẹ đi cùng, tránh trường hợp bác sĩ cũng là người xâm hại.
Đặc biệt, 5 dấu hiệu cảnh báo khi trẻ bị xâm hại, bao gồm, cảnh báo nhìn, tức là có ai đó nhìn vào “vùng đồ bơi” hoặc họ yêu cầu các em nhìn vào “vùng đồ bơi” của họ; cảnh báo nghe, họ nói về “vùng đồ bơi” của các em; cảnh báo sờ vào “vùng đồ bơi” của các em; cảnh báo ôm các em; cảnh báo bắt cóc, tức kẻ xấu có thể đưa các em vào chỗ kín và có hành vi xâm hại.
Ngoài ra, nguyên tắc 5 ngón tay cũng được đưa ra, giúp học sinh phòng chống xâm hại tình dục. Dựa vào bàn tay, trẻ có thể xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.
Nếu rơi vào tình huống bị xâm hại tình dục, các em cần nắm được 3 bước xử lý. Bước 1, phản đối, không nói chuyện và không tiếp xúc với người lạ. Trường hợp bị khống chế thì các em phải hét lên, vẫy vùng để thoát khỏi nơi đó. Bước 2, tấn công vào vùng bí mật của đối phương, sau đó bỏ chạy khỏi đối phương để tránh bị bắt trở lại. Bước 3, phải kể lại tình huống đó cho bố mẹ biết và tố cáo người xấu để giúp các em tránh khỏi người xấu.
Ngoài những buổi tập huấn theo các chuyên đề, nhà trường cũng luôn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; lồng ghép nội dung truyền thông vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt tập thể nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của việc bị xâm hại.