Sinh thời Bác Hồ kính yêu mong muốn “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp.” Xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu con người đang ngày đêm tận tụy, thầm lặng đóng những điều tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước. Mỗi con người, mỗi ngành nghề lại có những tấm gương người tốt tiêu biểu. Đối với ngành giáo dục, nghề giáo là nghề cao quý nhất, người ta thường nhắc đến công lao to lớn của thầy giáo cô giáo. Nhưng khi đứng dưới mái trường THCS Thanh Am, tôi lại nghĩ về sự cống hiến, sự thầm lặng của một đội ngũ luôn phải có nhiều trách nhiệm, ngày đêm đảm bảo an toàn cho nhà trường đó là đội ngũ bảo vệ trường học.
Nếu ai từng đặt chân đến bờ Nam sông Đuống thì sẽ thấy, bên dải đê xanh mướt có một ngôi trường khang trang mới được xây dựng cách đây 7 năm - trường THCS Thanh Am thuộc tổ 20, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được công tác tại một ngôi trường bề thế và hiện đại như vậy. Bảy năm không phải là một khoảng thời gian dài nhưng nó đủ để tôi thêm yêu mến mảnh đất Thanh Am và những con người đang ngày đêm làm việc dưới mái trường này. Đặc biệt, khi viết về tấm gương người tốt việc tốt của nhà trường, tôi không ngừng nghĩ về bác bảo vệ trường tôi- bác Phạm Thọ Khiết.
Tổ bảo vệ trường tôi có 4 người, bác Khiết là người lớn tuổi nhất. Bác sinh năm 1958 và bác cũng là một người con của mảnh đất Thanh Am. Trước đây, khi còn là thanh niên, bác Khiết từng là một người lính của Cục vũ khí nhà máy Z123. Ba mươi sáu năm cống hiến cho đất nước, người lính ấy đã đặt chân đến biết bao vùng đất để sửa chữa vũ khí cho các quân đoàn. Thậm chí bác cũng cùng đồng đội vào sinh ra tử trong trận chiến bảo vệ biên giới năm 1978. Giờ đây, khi đã về hưu, trút bỏ bộ quân phục, người lính già năm nào lại trở về với trẻ thơ, trở về với chiếc trống trường, với màu áo xanh bảo vệ.
Bác Khiết (người ngồi ngoài bên phải) đã kể lại những câu chuyện chiến đấu của bản thân trong ngày 22/12.
Bác Khiết (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng BGH nhà trường và các bác cựu chiến binh trong chuyên đề “Tiếp bước cha anh”- kỉ niệm ngày TL QĐND Việt Nam
Thấm thoắt hơn 7 năm trôi qua từ khi trường mới được thành lập cũng chính là khoảng thời gian bác gắn bó với nơi đây. Ngày lại ngày, các học sinh và giáo viên đã quen lắm với hình ảnh một người đàn ông gầy gầy, nhỏ bé đánh từng nhịp trống vang giòn nhắc giờ vào lớp, giờ ra chơi.
Đối với bản thân tôi, bác Khiết- người hiệp sĩ ấy là cả một tấm gương lao động không ngừng nghỉ. Từng cành cây ngọn cỏ đều được đích thân bác chăm sóc, cắt tỉa, tưới tiêu. Những chiếc ghế, cái bàn bị hỏng hay gãy đều do một tay bác sửa chữa. Cứ tưởng đôi tay bác quen với súng ống, đạn dược, với động cơ xe tăng, máy móc, ấy vậy mà bác còn là một người làm vườn khéo léo. Cây và hoa ở trường đều do một tay bác chăm sóc, cắt tỉa. Trường THCS Thanh Am trở thành một ngôi trường “nở hoa” đúng nghĩa cũng một phần nhờ đôi bàn tay của bác.
Hình ảnh Bác chăm sóc, cải tạo vườn cây trong trường
Không những vậy để bảo đảm cho nhà trường về công tác PCCC và mỹ quan trường học, bác còn luôn để ý từng chi tiết nhỏ như dây điện khi chưa được đưa vào ống ghen, những chậu cây xanh treo được bác buộc dây uốn lượn, chắc chắn đảm bảo an toàn thì đều nhờ vào đôi bàn tay của bác. Có những hôm bác cẩn thận dùng dây thép nhỏ buộc từng cành cây để không vướng mọi người đi lại, những hôm nhà trường có hội nghị bác cũng tất bật với chúng tôi từ sớm chuẩn bị từ những chiếc quạt, loa đài, kê bàn ghế với chúng tôi.
Rồi cứ đến cuối những tiết học, bác cầm chùm chìa khóa đi kiểm tra, khóa cửa từng phòng, hễ thấy đồ học sinh để quên là bác nhặt lại, đem lên văn phòng Đoàn đội gửi GV Tổng phụ trách báo cho HS trả lại người mất. Hơn những thế, bác còn là một người giữ gìn kỉ cương, trật tự, nội quy trong trường: chắc ai cũng để ý, cứ trước những buổi học bác lại đứng trước cổng kiểm tra và nhắc nhở các em HS tham gia giao thông nghiêm túc, đi học đúng giờ.
Ban ngày tấp nập nhộn nhịp tiếng nói, tiếng cười của HS là vậy nhưng khi màn đêm buông xuống thì vô cùng vắng lặng. Để đảm bảo sự bình yên cho nhà trường, cho cô và trò thì sự cống hiến ấy rất đáng được quý trọng. Tôi nhìn thấy ở bác một người tận tâm, nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong công việc. Bác từng nói với tôi rằng: “hãy sống thật tốt và yêu nghề bằng cả trái tim mình, nghề sẽ không phụ người”. Công việc hàng ngày tưởng chừng đơn giản nhưng bác không một giây phút lơ là với công việc của mình. Màn đêm buông xuống bác lại cẩn thận kiểm tra xem nhà trường có dấu hiệu bất thường hay không. Sáng hôm sau bác lại mở cổng trường chào đón các bạn nhỏ vào lớp học. Với tinh thần trách nhiệm, bác không quản ngại ngày nắng hay ngày mưa, đêm hay ngày. Công việc bảo vệ của nhà trường tuy không nặng nhọc nhưng rất cần sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó, cẩn thận. Mà điều này ở bác là có đủ. Nhìn dáng vẻ cần mẫn đôi bàn tay cần cù của bác từ sáng sớm đến chiều muộn khiến tôi thấy đáng quý biết bao của sự lao động. Tất cả mọi người từ cô Hiệu trưởng đến tập thể giáo viên, nhân viên trong trường THCS Thanh Am đều rất yêu quý, kính trọng Bác. Bác không chỉ là bác bảo vệ đơn thuần nữa mà còn như một người cha, người chú trong lòng mọi người. Bác là một tấm gương “người tốt - việc tốt” mà tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường THCS Thanh Am học tập và noi theo.
Có thể với nhiều người, nghề bảo vệ bình thường, không sang trọng nhưng bác quan niệm: đó là nghề mà bác đã chọn, nó phù hợp với bác, với tất cả những người không có điều kiện để trở thành một thương nhân giàu có, một sỹ quan cao cấp, một ông chủ triệu phú hay một minh tinh điện ảnh nổi tiếng..vv. Trong thời chiến, phía sau tiền tuyến là hậu phương, hậu phương vững chắc thì tuyền tuyến mới vững “tay súng” có niềm tin chiến đấu. Giờ thời bình, người Bảo vệ cũng như một hậu phương vững chắc cho nơi “chiến trường” ấy. Người bảo vệ sẽ tạo niềm tin cho các “giáo viên” an tâm giảng dạy. Bác đứng phía sau giữ yên ổn cho các thầy, cô giáo đang truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò.
Thế đấy, mặc dù bác chẳng đảm nhiệm giảng dạy một bộ môn văn hóa nào nhưng với tôi, bác vẫn luôn là một người đồng nghiệp, một người “hiệp sĩ” đáng kính mến. Bác không chỉ cho tôi cách đứng trên bục giảng, cũng chẳng dạy cho tôi làm thế nào để trở thành giáo viên giỏi mà trên hết bác dạy tôi cách sống tốt để mọi người yêu quý, tin tưởng mình.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải: “Một mùa xuân nho nhỏ- Lặng lẽ dâng cho đời- Dù là tuổi hai mươi- Dù là khi tóc bạc”. Hơn ba mươi năm trước bác là người lính xưa, hơn ba mươi năm sau-người quản trường nay vẫn rắn rỏi, là một người rất đỗi kiên cường và đầy tình thương. Lòng yêu đời và trách nhiệm với công việc của bác góp một phần không nhỏ khiến Thanh Am không chỉ là một ngôi trường mà còn là một mái nhà an toàn của tất cả học sinh và giáo viên. Bác đã cống hiến cho cuộc đời và đặc biệt cho mái nhà Thanh Am những gì tươi đẹp, đáng quý nhất. Hình ảnh vị “hiệp sĩ” già trường tôi- bác Phạm Thọ Khiết giúp tôi và các đồng nghiệp hiểu rằng cội rễ của lối sống đẹp chính là sống vì mọi người, luôn tận tâm góp sức cho xã hội, cho cộng đồng.