I. Lịch sử Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cách đây 76 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Cũng từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, cũng là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp
trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Truyên truyền Giải phóng quân
Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
Chính vì vậy, vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao - Bắc - Lạng. Họ đều là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ.
Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy ngắn nhưng rất súc tích. Bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang. Hồ Chủ tịch nói: "...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1989, ngày 22/12 cũng được chọn làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
II. Những hoạt động kỉ niệm Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam của thầy trò trường THCS Thanh Am
Hằng năm, cứ đến tháng 12, thầy trò trường THCS Thanh Am lại tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng và những chiến sĩ đang ngày đêm cống hiến, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.
Ngoài hoạt động dâng hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, BGH nhà trường cùng đại diện BCH Liên đội đã đến thăm các đơn vị bộ đội đang đóng trên địa bàn phường Thượng Thanh, thăm hỏi người thân của các giáo viên, CB-CNV trong trường là quân nhân, cựu chiến binh.
Đặc biệt, Nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ theo chủ để “ Tiếp bước cha anh” , “ Theo bước chân những người anh hùng”. Trong những buổi tọa đàm đó, thầy trò trường THCS Thanh Am như được sống lại những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc qua những lời kể của những nhân chứng lịch sử một thời bom đạn – những cựu chiến binh giữa thời bình.
Thầy trò trường THCS Thanh Am giao lưu, tọa đàm lịch sử với các bác cựu chiến binh đang làm việc trong nhà trường.
Thời chiến, họ cầm súng chiến đấu, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục sứ mệnh âm thầm bảo vệ cuộc sống yên bình, làm cho mảnh đất quê hương “nở hoa”.