1. Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8 tháng 3 năm 1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và New York. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc đó là bà Cla-ra-zét-kin (người Đức) và bà Lô-ra Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907 hai bà đã phối hợp với Crup-xcai-a (vợ Lênin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra-zét-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Nhiều sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như cuộc đấu tranh lớn tại Nga vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày 8/3 theo dương lịch, những nữ công nhân đã ồ ạt tấn công khắp các đường phố của Nga. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.
Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 8/3 như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.
Ngày nay, lễ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Phụ nữ” thường được tổ chức rất trang trọng: một ngày tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp dành cho phụ nữ.
2. Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ
Trong 365 ngày trong năm, người phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và cả bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày để phái mạnh thể hiện tình cảm của mình với những người mà mình yêu quý, “bù đắp” cho những vất vả của những người mẹ tảo tần cho gia đình và xã hội, những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.
Trong xã hội hiện đại: phụ nữ là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành, là người nội trợ chính trong gia đình, là người lao động kiếm tiền ngang bằng (thậm chí nhiều hơn) nam giới, là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội, là một nửa rất quan trọng của thế giới.
Kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2021), thầy và trò Trường THCS Thanh Am đã có rất nhiều những hành động thiết thực để phụ nữ Việt Nam nói chung, những người phụ nữ mà mình yêu quý nói riêng ngày càng có nhiều điều kiện để thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin và xinh đẹp hơn.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người Phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để luôn xứng đáng với bốn phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”