Không chỉ dừng lại ở quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược dưới thời vua Lý Nhân Tông cũng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, bài thơ thần vang lên bên bờ sông Như Nguyệt trong giai đoạn này có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
Tương truyền rằng một lần, Lý Thường Kiệt dẫn quân đi kiểm tra chiến tuyến, khi đến Phương La, thấy có ngôi đền lớn bên ngã ba Xà, hỏi ra mới biết đây là đền Xà, thờ nhị vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương - Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Lý Thường Kiệt bèn truyền quân sửa lễ vào đền thắp hương bái yết, cầu xin âm phù hộ quốc. Truyền thuyết về sự kiện lịch sử này, dân trong vùng kể rằng:
Đêm ấy, nằm nghỉ ở đình Xà - Ngọt, đang lúc chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ, Lý Thường Kiệt thấy hai vị thần nhân, mũ áo chói loà hiện ra. Lý Thường Kiệt vội đứng dậy bái chào. Hai vị thần nhân cao lớn, lẫm liệt khác thường.
Một vị mặt đen, mắt xanh, mặc áo bào trắng. Một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác bào đỏ, bảo rằng: Mới tới thăm nhau buổi sáng mà đã vội quên! Lũ giặc Tống kia, chỉ cần làm bạt hồn vía chúng thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến giúp ngài quét sạch lũ giặc... Dứt lời liền ngâm bài thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết, đấy là hai vị thần thờ ở đền Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị thần nhân hoá thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu.
Bài thơ Thần được khắc lại trên bia đá đền Xà
Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông ngồi trầm ngâm tự chép lại bài thơ Thần trong trí nhớ. Chép đi chép lại nhiều lần mới nhớ đúng được lời của bài thơ. Lý Thường Kiệt đắc ý khẽ cất tiếng ngâm. Mấy tỳ tướng chầu hầu nghe được, phấn chấn hẳn lên cũng lẩm nhẩm học theo. Lý Thường Kiệt sai quân chép bài thơ Thần làm nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến.
Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông sang bờ Bắc, mở trận tập kích vào đồn lũy giặc Tống. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe từ trên không trung có tiếng hò reo, ngựa người rầm rập, khí giới loảng xoảng cùng âm vang tiếng chiêng, tiếng trống theo nhịp bước quân đi.
Ông ngửa mặt nhìn lên, thấy hai vị thần họ Trương, áo mũ xanh đỏ tề chỉnh, ngự trên đám mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác tua tủa. Biết có thần binh trợ giúp, quân sĩ đều háo hức muốn xông ngay vào đồn giặc. Liền đó, từ trên cao xanh trước cửa đền vọng xuống tiếng ngâm bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” ngâm đi ngâm lại nhiều lần.
Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng. Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt xông lên giết giặc. Bên kia bờ Bắc, quân Tống nghe tiếng thơ ngâm mà hoảng sợ, bạt vía kinh hồn. Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân giặc tan vỡ thành từng mảng, bỏ chạy toán loạn, giẫm đạp lên nhau.
Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng (nay vẫn còn dấu ấn lịch sử là cánh đồng Xác và ngôi chùa Xác, sau đổi lại là An Lạc Tự). Quân Tống đại bại, sau trận ấy vội vàng rút quân về nước.
Nhưng cái để sử sách ghi tên Lý Thường Kiệt chính là tài cầm quân. Ông cũng chính là 1 trong 4 vị tướng tài giỏi nhất lịch sử Việt Nam bên cạnh những cái tên như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp.
Năm
2013,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt ông vào một trong 14 vị
anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Đền thờ Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt nhìn từ trên cao
Tượng đài Lý Thường Kiệt trong khu Đền thờ