Đình, nghè thôn Ngô là nơi phụng thờ các vị Thành hoàng làng: Linh Lang, Lã Lang, Phương Dung phu nhân, Hạnh Hoa công chúa, mà theo Thần tích là những người có công đánh đuổi giặc Tống thế kỷ XI. Tuy nghè và đình thôn Ngô có mối quan hệ mật thiết trong các nghi lễ và phụng thờ Thành hoàng làng, nhưng nghè thôn Ngô không phải là nơi bảo tồn bài vị của các Thần và là nơi phụng thờ riêng hai vị Thánh mẫu. Vì thế, trong ngày lễ dân làng không rước Long Ngai, bài vị của hai bà mà chỉ rước bát nhang về đình tế lễ.
Đình thôn Ngô được xây dựng trên khu đất cao, rộng rãi ở ven làng, quay hướng Đông – Nam. Đình thờ 2 vị Linh Lang và Lã Lang là 2 vị tướng phò nhà Lý. Để tưởng nhớ công đức của những người xả thân vì nước, nhân dân thôn Ngô đã dựng đình thờ 2 ông, về sau lại tôn 2 ông làm thành hoàng làng. Đôi câu đối chữ Hán ở gian giữa đình có ghi:
Mộc biểu vân sơ, nhất chính dực tán trung hưng Thánh,
Đông A dĩ hậu, vạn cổ bao phong Thượng đẳng thần.
Tạm dịch:
Công Mộc từ xưa, một trận giúp nên trung hưng Thánh,
Thời Trần về sau, muôn đời phong tặng Thượng đẳng thần.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình thôn Ngô còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là cơ sở hoạt động bí mật, nơi cán bộ địa phương thường xuyên hội họp bàn bạc, trao đổi các phương án các phương án đối phó với giặc. Tại đây, ngày mồng 1 tháng 3 Âm lịch (năm 1951), địch bắt nhân dân ra đình tập trung điểm mục từng người, bọn chúng lùng sục các xóm, tìm được hầm bí mật ở xóm Đông, bộ đội và du kích đã tự sát dưới hầm không để giặc bắt. Bọn giặc tiếp tục lục soát, bắt được đồng chí Nguyễn Văn Trường mang ra sân đình tra tấn cùng một số anh em thanh niên trong làng để uy hiếp tinh thần nhân dân. Bọn chúng dùng thủ đoạn dã man đem đồng chí Trường trói vào cây sấu ở sân đình rồi bắn chết. Những hành động tàn bạo của địch không lay chuyển được tinh thần của nhân dân thôn Ngô.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đình còn là nơi đóng quân của đơn vị 205 Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng. Những năm 1967-1972, đình là kho chứa quân nhu, súng đạn và lương thực để cung cấp cho chiến trường miền Nam. Những năm 1973-1975, đơn vị đặc công sử dụng làm doanh trại để học tập và rèn luyện bổ sung cho chiến trường miền Nam. Vì thế, đình thôn Ngô còn mang ý nghĩa một di tích cách mạng.
Đình thôn Ngô nằm trong một cảnh quan khá đẹp ở bờ Bắc sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chừng 8km. Quanh đình có tường bao và các hàng cây tỏa bóng mát; phía trước là đường liên thôn và đất canh tác, tạo cho di tích trở nên trang nhã và uy nghiêm. Kiến trúc đình theo kiểu chữ đinh, bao gồm: Cổng đình, Đại đình và Hậu cung. Cổng đình dựng theo kiểu Nghi môn gồm 2 trụ biểu lớn ở giữa, hai bên là bức tường nối từ trụ biểu lớn tới trụ biểu nhỏ. Hai trụ biểu lớn xây bằng gạch, thân trụ đắp gờ nổi, 4 mặt ghi câu đối, phần lồng đèn soi gờ đắp chữ Thọ ở 4 mặt. Đỉnh trụ đắp 4 chim phượng, quay đầu 4 hướng, đã tôn thêm vẻ đẹp và mang giá trị biểu tượng thiêng liêng. Sau cổng là một sân rộng, lát gạch Bát Tràng làm trang trọng thêm khuôn viên di tích. Cuối sân qua bậc Tam cấp là tòa Đại đình – công trình kiến trúc chính gồm 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói kiểu cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Đại đình có các bộ vì kiểu “thượng chồng rường, giữa cốn, hạ kẻ”. Liên kết các bộ vì là các xà đai thượng hạ chạy suốt 5 gian, hoành mái phân “thượng ngũ hạ lục” khá vững chắc. Các bộ vì kèo chạm trổ khá tinh xảo, chủ yếu là chạm bong kênh với những đề tài cổ truyền như: tứ linh, tứ quý, hoa lá. Đáng chú ý nhất là các đầu dư với đề tài Rồng được chạm thủng, chạm bong kênh mang đường nét mềm mại. 3 bức cốn chạm hoa văn cách điệu làm nền cho các hình quả đào, quả lựu. Những đề tài này qua bàn tay nghệ nhân đã trở nên hết sức sống động, phong phú và thật uyển chuyển, mềm mại mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Nối liền với gian giữa tòa Đại đình là tòa Hậu cung, chạy dọc gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung được đặt các ngai thờ và đồ tự khí.
Nghè thôn Ngô nguyên ban đầu được xây dựng bằng tranh, tre. Năm 1990, dân làng xây dựng lại trên nền đất cũ, theo kiểu chữ đinh, hướng về phía Tây – Bắc, mái lợp ngói kiểu cổ, có tường bao xung quanh. Nghè thôn Ngô nằm cách đê sông Hồng 25m. Kết cấu nghè có Đại bái gồm 3 gian. Hậu cung 1 gian, các bộ vì kết cấu “kèo cầu quá giang trốn trụ”. Trong Hậu cung của nghè được đặt các ngai thờ với 2 tượng Phương Dung phu nhân và Hạnh Hoa công chúa.
Các di vật lưu giữ tại đình, nghè thôn Ngô trước tiên phải kể đến quyển Thần phả “Linh Lang Đại vương”, kiệu, hương án, long đình… Ngoài ra, còn có các bức hoành phi, câu đối…được sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu, tỉ mỉ với các đề tài tứ quý, rồng, mây, hoa lá… trông rất lộng lẫy. Nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức của Thành hoàng làng và ca ngợi cảnh đẹp của đình, nghè thôn Ngô.
Trong suốt quá trình tồn tại, đình, nghè thôn Ngô đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo và gần đây nhất là vào năm 1990, nhưng không vì thế mà mất đi dáng dấp cổ kính. Đình, nghè thôn Ngô, phường Thạch Bàn, quận Long Biên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa năm 1995.