Trải qua thời gian, cùng những đổi thay về địa danh hành chính, làng Vo Trung vẫn giữ được tên gọi thân thuộc và những truyền thống tốt đẹp chung của người dân vùng châu thổ sông Hồng. Hội tụ và di dưỡng truyền thống tốt đẹp đó là hệ thống di tích của làng, trong đó ngôi đình giữ vị trí đặc biệt quan trọng.
Nằm kề bên bờ sông Đuống, trong địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời dựng nước, nên ở đây đã trở thành một vùng quê sầm uất, cư dân đông đúc. Sự có mặt của đình Vo Trung cùng ngôi chùa Bảo Khảm đã góp phần tạo nên giá trị và sức hấp dẫn của một phường mới thành lập đang trên đà đô thị hóa.
Các nguồn tư liệu Hán – Nôm như: Thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối… cho biết, đình Vo Trung thờ “Tứ vị Thánh Nương” – các vị Thần bảo trợ cho những người dân miền sông biển được bình yên trước sóng gió. Truyền thuyết kể lại rằng: Cửa Càn Hải (Cửa Cờn), nơi sông Hoàng Mai đổ ra biển, thuộc xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thời Trần kiêng húy chữ “Càn” đổi thành Cần Hải. Cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278 – 1279) quân Tống bị quân Mông – Nguyên đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống Bính Đế đem gia quyến và bề tôi quân lính tùy tòng hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo rất gấp, vua tôi nhà Tống phải nhảy biển tự tử. Tử thi Thái Hậu họ Dương và các nàng công chúa trôi dạt vào Cửa Cờn ở huyện Quỳnh Lưu, sắc mặt vẫn hồng hào như người sống. Dân chài bản xã thương xót lo liệu chon cất, dựng thảo am để thờ. Phàm những ai khi vào lộng ra khơi, dân chài lưới hoặc làm nghề chở thuyền biển thường đến cầu khấn ở đền. Khi vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, qua Cửa Cờn chiêm bao thấy một nữ Thần đến khóc lóc nói với vua rằng: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lại gặp sóng gió, trôi dạt đến đây. Bấy lâu nay thiếp được Thượng Đế cho làm Thần biển. Nay bệ hạ đem quân đi chinh phạt, thiếp xin theo giúp lập công”. Vua cho gọi các bô lão đến hỏi sự thực, làm lễ kính tế rồi lên đường. Sóng yên bể lặng, quân vua tiến đến thành Chà Bàn được thắng lớn. Khi trở về, vua sai Hữu ty lập đền thờ bốn mùa cúng tế, phong làm: Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương” (sử ghi sự việc vào tháng 6 năm Long Hưng thứ 20, tức năm 1313). Sau vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1469), qua Cửa Cồn có vào cầu đảo ở đền cũng được thắng lớn, khi về thuyền ngự qua biển, chợt có giông gió nổi lên, buồm thuyền theo gió quay lại trước đền. Vua bèn hạ lệnh cho tu sửa đền miếu, gia phong phẩm vật cho Thần, địa danh chỗ thuyền quay lại đó từ đây được gọi là xã Hồi Chu.
Sự tích Thần Cửa Cờn còn được chép trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái có một vài dị biệt, nhưng chỉ nói Hoàng Hậu vợ vua Tống với 2 con gái, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí ghi thêm một bà nhũ Mẫu. Cả 3 tài liệu trên đều có phần kể thêm: Sau khi bám mảnh ván trôi dạt vào một bãi hoang vắng, mẹ con Thái Hậu nhà Tống đều còn sống, được nhà sư trụ trì chùa gần đó cứu giúp, chu cấp quần áo ăn mặc đầy đủ. Được mấy tháng, mấy mẹ con Hoàng Thái Hậu đã hồi sức, dung nhan trở lại xinh đẹp. Nhà sư kia động long tình ái muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt, nhà sư lấy làm hổ thẹn, gieo mình xuống biển chết. Mẹ con Thái Hậu khóc rằng: “Chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư lại vì mẹ con ta mà phải chết, thật không đành long”. Nói đoạn, cả 3 mẹ con cùng đâm đầu xuống biển chết cả, xác trôi đến Cửa Cờn.
Các đời vua về sau đều phong “Quốc Mẫu Hoàng bà Đại Càn quốc gia Nam Hải, Tứ vị Thánh Nương Thượng đẳng thần” và cho phép các nơi lập đền thờ. Riêng ở Hà Nội dọc các triền sông Hồng, sông Tô và sông Đuống có trên 10 nơi thờ “Tứ vị Thánh Nương”. Theo quan niệm của người xưa, với mong muốn có một vị Thần bảo trợ, giải thoát họ khỏi thiên tai, lũ lụt… “Thần Cửa Cờn” được thờ tại đình Vo Trung cũng không ngoài mục đích đó.Mặt khác, vị Thần biển này thâm nhập vào nội địa đã như cho biết về sự phát triển thương mại một thời ở nơi đây.
Trải qua thời gian tồn tại, ngôi đình đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, trong đó phải kể đến 2 lần trùng tu lớn vào năm Tự Đức thứ 12 (1859) còn ghi rõ trên vì hồi trái nhà Hậu cung và năm Thành Thái thứ 12 (1900) được ghi lại trên thượng lương Hậu cung của đình.
Đình Vo Trung nguyên trước kia nằm phía ngoài đê sông Đuống, cách vị trí hiện tại khoản 300 mét về phía đông – bắc. Do hàng trăm năm liên tiếp xảy ra thiên tai, lũ lụt nên năm 1994 dân làng lại dịch chuyển ngôi đình về vị trí hiện nay. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: một khoảng sân nhỏ lát gạch Bát Tràng, phía sau sân là khu thờ tự bao gồm: Tiền Tế và Hậu cung. Các kiến trúc này được khuôn lại trong hệ thống tường bao. Tiền tế là một nếp nhà có bố cục mặt bằng 5 gian làm theo kiểu “đầu hồi bít đốc tay ngai”, kết cấu bộ khung nhà Tiền tế gồm 4 bộ vì, 2 bộ vì giữa được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, 2 bộ vì hồi làm theo kiểu “quá giang trụ trốn”. Hậu cung là một nếp nhà 3 gian chạy ngang. Cấu trúc bộ khung gỗ được làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Mặt trước Hậu cung mở hệ thống cửa gỗ “thượng song hạ bản” tạo ánh sáng cho bên trong. Chính giữa Hậu cung xây bệ gạch cao làm ban thờ Thành hoàng làng với tượng Thánh Mẫu Hậu được đặt trang trọng trong khám thờ chạm Rồng chầu mặt trời, hoa dây của nghệ thuật thế kỷ XIX. Phía ngoài khám được bài trí 3 pho tượng gồm: 2 công chúa và nàng thi nữ.
Nhìn chung, trang trí trên kiến trúc đình Vo Trung chủ yếu được tập chung trên các con rường, đấu kê tại nhà Hậu cung, các họa tiết trang trí có đề tài chủ yếu là vân mây, hoa lá. Trong các di vật gỗ của đình có bộ bài vị thờ Thần được chạm trổ tinh vi, trau chuốt với các họa tiết trang trí song nước, lá đề, vân mây, mặt trời,… mang nghệ thuật điêu khắc thế kỉ XIX. Các bức hoành phi, giá văn được sơn son thếp vàng cũng làm tăng thê, sự trang nghiêm, lộng lẫy cho điện thờ Thần. Lư hương gốm Phù Lãng men da lươn trang trí Rồng chầu mặt trời, chữ thọ. Hổ phù, phía dưới đề năm chữ Hán “Thượng đẳng tối linh từ”.
Đình Vo hiện còn bào lưu được bộ sưu tập di vật văn hóa giá trị lịch sử. Trong đó, 10 đạo sắc phong của 3 triều đại Lê – Tây Sơn – Nguyễn có giá trị đặc biệt hơn cả, sớm nhất có đạo sắc niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), Quang Trung thứ 4 (1791), Minh Mệnh thứ 2 (1821), 2 đạo sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1990) và Khải Định thứ 9 (1924). Các văn bản ngoài việc tập chung khẳng định “Tứ vị Thánh Nương” được thờ tại đây còn chứng minh cho sự ra đời sớm của ngôi đình, đồng thời còn là chứng cứ tỏ rõ sắc thái của một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.
Qua hơn 300 năm tồn tại với đầy biến động, nhưng đình Vo Trung luôn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của một cộng đồng dân cư, nơi bảo lưu những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đình Vo Trung không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà còn là một điểm văn hóa hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu ven sông Đuống.