Trường THCS Thanh Am cũng không phải là một ngoại lệ. Đặt mục tiêu Giáo dục theo định hướng Phát triển năng lực học sinh lên hàng đầu, nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên đã tích cực xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng sau mỗi tiết học dành cho học sinh để nâng cao hiệu quả dạy học, kích thích sự sáng tạo, tìm hiểu của học sinh ở các môn khoa học tự nhiên. Cùng với nhiệt huyết, lòng yêu nghề và sự say mê, Cô giáo Trần Thị Tuyến – Giáo viên môn Vật Lí của trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra công trình “Dàn phơi quần áo tự thu”, dạy học theo mô hình Stem thành công dưới sự ủng hộ, thích thú của các em học sinh toàn trường. Hoạt động này đã trở thành một điểm sáng thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, các em học sinh và toàn thể học sinh, giáo viên trong trường.
Kết quả của việc say mê nghiên cứu khoa học của cô và trò được áp dụng các kiến thức được học về môn Toán, Vật lí và Vẽ kĩ thuật, tìm hiểu cấu tạo và nguyên lí hoạt động của mạch điện tử, của vi điều khiển, mô tơ, của cảm biến,…Cô giáo Trần Thị Tuyến và nhóm học sinh lớp 8A2 của trường đã thiết kế một giàn phơi tự thu thông minh tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí. Khi nghiên cứu, cô giáo chia sẻ: “Tiêu chí đầu tiên của sản phẩm chính là sự gọn gàng, có tính thẩm mỹ, dễ dàng lắp đặt, sử dụng trong gia đình và có chi phí thấp.”
Mô hình dàn phơi quần áo tự thu của nhóm học sinh lớp 8A2
và cô giáo Trần Thị Tuyến
Vận dụng kiến thức đã học từ môn Vật lí được cô giáo truyền đạt một cách lí thú, kết hợp với ý tưởng, sự sáng tạo không giới hạn của các bạn học sinh xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, giàn phơi đã kết hợp được tính năng khi sử dụng như: sử dụng cảm biến mưa, cảm biến ánh sáng, tự thu quần áo khi mưa (hoặc khi trời tối) và tự phơi quần áo khi trời nắng (hoặc khi trời sáng). Ngoài việc dùng để phơi quần áo ta cũng có thể thay thế bằng hệ thống mái che mưa hoặc sử dụng để phơi nhiều thứ khác tùy theo nhu cầu sử dụng. Giàn phơi tự động giúp chúng ta tránh được những cơn mưa bất chợt khi gia đình đi làm xa, gia đình công chức, công nhân thường xuyên phải tăng ca, gia đình có người già và trẻ em không thể tự thu quần áo khi trời mưa, tối.
Sản phẩm được đánh giá cao và đã được gửi đi thi cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp thành phố đạt giải Tư. Đây là thành quả, toàn bộ tâm huyết, sáng tạo của các con học sinh cũng như cô giáo Trần Thị Tuyến đã mang lại cho nhà trường. Công trình nghiên cứu ở quy mô nhỏ nhưng những giá trị về mặt tinh thần lại vô cùng lớn. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhà trường mà còn là niềm vui của các con học sinh khi tự mình chế tạo được sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao trong đời sống, tạo thêm động lực để các bạn phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong môn học, yêu thích môn học và hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế. Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu đã kích thích sự sáng tạo, bước đầu hình thành thói quen tìm hiểu, nghiên cứu tính ứng dụng của các bộ môn khoa học tự nhiên trong nhà trường ở học sinh và giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học theo mục tiêu phát triển năng lực toàn diện.
Hy vọng rằng trong tương lai, cô giáo Trần Thị Tuyến cũng như toàn thể giáo viên của trường THCS Thanh Am sẽ luôn nhiệt huyết, say mê trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và dẫn dắt những thế hệ học sinh tiếp nối thành công, sáng tạo ra nhiều công trình bổ ích, lí thú hơn nữa.