Đã bao giờ các bạn đã ngắm nhìn ra ngoài trời và nhìn vẻ đẹp mà mỗi mùa mang lại cho chúng ta chưa nhỉ? Riêng tôi lại rất thích như vậy. Tôi thấy được rằng, mùa nào cũng đều đẹp cả. Từ cái nồm ẩm của mùa xuân cho đến cái buốt rét của đông lạnh giá, tất cả đã tạo nên cuốn sách “Thương nhớ mười hai” mà Vũ Bằng – nguồn cảm hứng về Hà Nội đã gửi gắm trong cuốn hồi ký đầy kỷ niệm và tình yêu da diết của ông với đất bắc.
Thật lòng mà nói, Hà Nội là một mảnh đất thực sự tươi đẹp. Chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện đại của xứ Hà Thành với những tòa nhà cao chót vót. Hay đến những con phố cổ với đậm nét truyền thống của Việt Nam. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà tác giả đã lựa chọn Hà Nội để giãi bày những tâm tư, cảm xúc và những sắc thái đặc biệt, độc đáo của Hà Nội qua từng tháng
Trong cuốn sách đầy lý thú của ông là những bức tranh lột tả nên vẻ đẹp của đất Bắc. Tháng Giêng có trăng non, có cái rét ngọt, có cái nồm ẩm mang theo nhựa sống tràn trề chảy trong mọi vật. Đó cũng là tháng mà ông cảm thấy tươi mới, mình trẻ trung nhất. Qua lời miêu tả về mùa hè của Vũ Bằng, tôi cảm thấy mùa hè của ông rất vui vẻ, bùng cháy, rực rỡ bởi cái nắng chói chang và đôi lúc còn điểm thêm những cơn mua ngâu. Và rồi đến cái thèm nhãn Hưng Yên của tháng năm, cái ngọt của nhãn, cái ngọt của mùa hè đã làm cho chúng. Hay đến cái tháng 7 mưa dầm sùi sụt, tháng mà nhưng cô hồn vô định, côi cút chưa siêu thoát, vẫn là những cái bóng đầy bi thương đi ăn xin ở ngoài đường, tiếng guốc khua của những người bán rong nhưng chẳng ai đáp lại. Trong những áng văn tuyệt đẹp của mùa thu đất Bắc, ông đã sử dụng gợi tả một “mùa lá đổi áo” thật “lê thê, cái buồn tê mê, cái buồn não nề, có trăng thu rất đẹp” bằng nghệ thuật so sánh, đối chiếu đầy tinh tế. Rồi “cái mùa thu man mác buồn” ấy lại dẫn ta vào những cơn gió bấc mưa phùn, nỗi nhớ nhung sự ấm áp, tình rất tình của mùa đông – là lúc mọi người đang quây quần bên nhau với từng ngụm nước vối nóng hổi, cùng nhau chờ những phiên chợ tết nhộn nhịp cuối năm.
Tất cả những chi tiết đó thể hiện nỗi nhớ vời vợi ngàn trùng ở Hà Nội để khiến chúng ta đọc xong cuốn sách này cũng nhận ra được cái hay, cái đẹp của Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phần nào thấy được tình yêu tha thiết của tác giả với Hà Nội bằng những dòng chữ bay bổng, đầy chất thơ mà lại chân thực, giản dị. Ông còn có những cảm giác luyến tiếc, hoài niệm nhớ lại và khắc hoạ lại những kỷ niệm đó vì lẽ “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, vì chẳng còn những con đường quen thuộc, tập nập trong mùa tết, vi chẳng còn những đêm trăng ngọt ngào, vì chẳng còn những ngày ấy…
Và chúng ta vừa mới được nhìn lại những hoài niệm của tác giả về Hà Nội. Chính bản thân tôi cũng cảm nhận được điều đó. Đọc xong cuốn sách, tôi rất thích cách hành văn của tác giả. Ông đã thực sự tinh tế khi biến chúng ta thành những nhân vật trong câu chuyện đó, khiến cho tôi có được những cung bậc cảm xúc như là tác giả qua những điều lý thú của các mùa trong năm, lúc thì tự tôi cũng thấy buồn se sắt, cũng nhớ nhung, cũng luyến tiếc lúc cũng thấy vui, cũng thấy hạnh phúc. Đó chính là vẻ đẹp, tâm hồn sâu kín của Hà Nội: thật mỹ miều mà thanh thoát, thật tự nhiên, đa sắc, đa cảm, tình tứ. Đó cũng là vẻ đẹp, giá trị mà tôi muốn giới thiệu đến mọi người để thấy được cái đẹp và cái đổi thay của Hà Nội qua thời gian thậm chí là các du khách nước ngoài. Nếu các bạn là những người yêu vẻ đẹp thiên nhiên thì hãy tìm đọc Thương nhớ mười hai nhé!