Trước hết, đó là những trăn trở về sự thay đổi của cơ thể. Trước khi tuổi dậy thì đến, các em có thể sẽ thắc mắc “khi nào mình sẽ dậy thì?, mình sẽ thay đổi thế nào?, những điều gì sắp xảy đến với mình? sao cùng tuổi với nhau mà chúng mình lại không dậy thì cùng nhau?” Bước vào giai đoạn này, các em lại băn khoăn thậm chí lo lắng trước những thay đổi chồng chéo diễn ra trong cơ thể mình. Các bạn nữ có thể thấy mình cao lớn hơn, ngực phát triển hơn, lông mu và lông nách mọc ra, da và tóc bóng dầu, người tiết ra nhiều mồ hôi, bộ phận sinh dục phát triển và bắt đầu có kinh nguyệt. Các bạn nam lại có thể thấy lo lắng khi thấy mình cao lớn lạ thường, giọng nói thay đổi trầm hơn trước, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi và bắt đầu có mùi lạ, bộ phận sinh dục cũng phát triển hơn.
Tuổi dậy thì là thời gian phát triển các Hormone và dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về tâm lý. Tâm trạng của thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì có thể dao động giữa hưng phấn, tức giận, lo lắng và trầm cảm. Những tâm trạng và hành động trong giai đoạn này đôi khi chính các em cũng không hiểu và giải thích được.
Sự thay đổi về thể chất khiến các em luôn muốn khám phá, tìm hiểu những vấn đề về giới tính. Nhiều em khi được hỏi: Ở tuổi mới lớn, các em mong muốn được chia sẻ điều gì với gia đình và thầy cô? Các em muốn gì ở người lớn?... Các em đã thẳng thắn bày tỏ: Điều em muốn được chia sẻ với gia đình và thầy cô đó là về bản thân em, về việc học tập, về bạn bè của em, về tình cảm với người khác phái hay hạnh phúc gia đình. Nhưng việc đó không dễ dàng chút nào vì có thể những suy nghĩ tuổi mới lớn của chúng em sẽ sai lệch với những suy nghĩ mà gia đình cũng như thầy cô mong muốn chúng em thực hiện. Nên chúng em muốn gia đình và thầy cô có thể chia sẻ với chúng em những vấn đề khá tế nhị như chuyện tình cảm trai gái ở tuổi mới lớn hay những vấn đề về bản thân chúng em.
Trong giai đoạn này, điều các em muốn ở người lớn đó là sự cảm thông sâu sắc về những suy nghĩ tuổi mới lớn cũng như mong muốn có được sự quan tâm chân thành từ cha mẹ chứ không chỉ khi chúng em mắc sai lầm rồi mới thể hiện sự quan tâm bằng cách la mắng, quát tháo, trì chiết... Vì vậy, trong thời gian này, ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban…thì cha mẹ hãy là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất. Ngược lại, các em cũng đừng ngần ngại chia sẻ với cha mẹ, người thân, thầy cô về những điều lạ thường những đầy tuyệt vời đang xảy ra với các em!