Các tư liệu lịch sử thành văn cho biết: khi bao vây thành Đông Quan vào cuối năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt đại bản doanh ở Bồ Đề, lập các tầng lầu cao trên 2 cây bồ đề để quan sát giặc Minh đang bị vây ở trong thành. Bởi vậy, địa danh Bồ Đề đã đi vào lịch sử với chiến công lẫy lừng quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi ở thế kỷ XV.
Đền Chầu được dựng lên để thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – một vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự – chính trị kiệt xuất, vị tướng tài ba được giao trọng trách Tiết chế tống lĩnh quân đội ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII. Khi mất, ông được vua Trần truy phong tước “Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Vương”. Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông ở rất nhiều nơi và trong tâm thức người Việt, ông là Đức thánh Trần. Đền Chầu còn thờ công chúa Liễu Hạnh – một vị trong “Tứ bất tử” trên Thần điện và trong tín ngưỡng dân gian của người Việt (bên cạnh Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương). Bà được các triều Lê, Nguyễn phong tặng la “Đệ nhất Thượng đẳng thần” và cho phép dân nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ được thờ tự. Bên cạnh đó, đền Chầu cũng là nơi di dưỡng, bảo lưu những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư làng xã, nơi giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khuyên nhủ con người hướng về điều thiện tránh xa điều ác.
Đền quay hướng nam với các hạng mục kiên trúc chính sau: cổng đền, đền chính, 2 dãy nhà Tả, Hữu vu, sân đền, am và vườn cây bao quanh.
Cổng đền được xây bằng gạch kiểu 2 tầng 8 mái với 4 góc đao cong đắp hình Rồng uốn khúc gắn bằng các mảnh sứ men, giữa bờ nóc đắp Cá chép chầu mặt nguyệt. Đền chính được xây dựng kiểu chữ tam, bao gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung.
Tiền đường là một nếp nhà 3 gian 2 dĩ, xung quanh xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mái lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải đắp kiểu bờ đinh chạy một hàng hoa chanh thủng, giữa bờ nóc đắp hình Cá chép chầu mặt nguyệt. Hai đầu hồi đắp 2 Rồng lá quay mặt vào nhau. Kiến trúc Tiền đường được làm theo kiểu “ thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn mê”, các con rường được chạm nổi văn mây, văn thực vật. Tiền đường có hàng hiên rộng, bẩy hiên được trang trí hình Rồng, tứ quý (mai, trúc, cúc,thông), 2 mặt cốn trang trí tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Nền nhà cao 40cm so với mặt sân, phía trước là hệ thống cửa bức bàn. Trong nhà xây 3 bệ thờ, bệ giữa đặt tượng vua cha Ngọc Hoàng, một số tượng chầu và 6 long ngai. Bệ thờ gian bên phải đặt Long ngai. Bệ thờ gian bên trái đặt tượng Mẫu Thượng Ngàn (ban Sơn Trang).
Trung đường được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, kết cấu kiến trúc kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ”. Trong nhà đặt 3 ban thờ, ban giữa thờ chầu/Chúa Đệ tam, hai gian bên đặt lầu Cô. Các tượng đều được đặt trong khám kính sơn son thếp vàng.
Hậu cung gồm 2 gian hẹp long, ngăn cách với Trung đường bằng 2 cửa nách nhỏ làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ”. Trong cung cấm xây 3 bệ thờ, bệ giữa đặt tượng công chúa Liễu Hạnh hóa thân của Mẫu Thiên, bệ thờ bên phải đặt tượng Mẫu Thượng Ngàn, bệ thờ bên trái đặt tượng Mẫu Thoải. Các tượng này đều được trong khám kính sơn son thép vàng. Mặt trước khám được chạm thủng đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”.
Đền Chầu là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nổi trội về mặt kiến trúc nghệ thuật cần được trân trọng, giữ gìn và bảo vệ của quận Long Biên đang trên đường đổi mới.