Làng Gia Thụy có tên Nôm là Chợ Da, dưới thời Nguyễn thuộc xã Gia Thụy, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1945 làng sáp nhập cùng hai thôn Mai Phúc và Sài Đồng, lập thành xã Tiến Bộ; năm 1955 thuộc về quận 8. Đến năm 1965 đổi là xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Năm 2003, thuộc tổ 11, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Trong đình hiện còn lưu giữ được cuốn Thần phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Theo phả, đình Gia Thụy thờ thành hoàng làng gồm anh em Trung Thành, Đông Lương, Thông Vĩnh và em gái Quý Nương, vốn là bốn tướng của An Dương Vương Thục Phán.
Khi Triệu Đà chiếm được thành Cổ Loa, ba vị nam tướng bị thương nặng phải rút quân về phía nam; chạy đến thôn Gia Thụy thì kiệt sức, trầm tiết cạnh ao Voi Đống để khỏi rơi vào tay giặc. Cô em ôm xác các anh giấu cạnh giếng Bưởi rồi gieo mình xuống giếng tự vẫn, bảo toàn ngọc thể.
Dân làng Gia Thụy lập đền thờ các ngài và coi gò đất cạnh giếng Bưởi là khu Mộ Tổ. Từ thời Trần, triều đình đã có sắc phong cho 4 vị là Thượng đẳng phúc thần.
Năm 1972 đình bị máy bay B52 của Mỹ ném bom phá hủy. Về sau, nhân dân địa phương đã tổ chức quyên góp và cho dựng lại đình theo lối cũ, khu Mộ Tổ cũng được tu sửa khang trang. Năm 1991 cụm di tích đình, chùa Gia Thụy được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2014 lại được khởi công trùng tu trên nền cũ theo đúng Luật di sản văn hóa.
Đình Gia Thụy với ngôi chùa Thiên Ứng Phúc Lâm Tự ở ngay bên cạnh cùng nằm trong một khuôn viên khá rộng và có trồng cây xanh xinh xắn. Mặt đình quay hướng đông-nam, bên ngoài đắp nổi đôi voi, hai bên góc có hai con chó đá nhìn ra một hồ vuông nhỏ với tường gạch bao quanh và hòn non bộ ở giữa. Nghi môn gồm 3 cửa với 6 trụ biểu, sau cửa chính là bức bình phong đắp cuốn thư mới làm, khác với đình cũ. Mé phải sân đình có lối thông sang chùa.
Đối diện hai bên sân đình có hai nhà giải vũ với 3 gian cửa bức bàn. Lối đi giữa sân và toàn bộ bậc thềm đình đều lát đá. Tòa đại đình xây theo kiểu truyền thống với phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tiền đường gồm 5 gian cửa bức bàn, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Hai bên hậu cung lại có hai nhà tả hữu mạc, cũng đều xây kiểu đầu hồi bít đốc với 3 gian cửa bức bàn như nhà giải vũ. Hậu cung áp lưng vào bức tường dài ngăn cụm di tích đình và chùa Gia Thụy với đường làng.
Ngoài kiến trúc, trong đình hiện lưu giữ một số hiện vật quý như 4 bộ long ngai, bài vị, kiệu bát cống, hương án, sắc phong, chóe sứ, bát hương và bộ tượng 4 vị thành hoàng đặt trong cung cấm trang nghiêm. Những đồ gỗ đều được chạm khắc tinh tế và mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Các bức hoành phi, câu đối và tượng tròn đều mới được tô lại, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tại gian bên trái của tiền đường có bày ban thờ Trần triều. Ngoài ra còn có tượng cặp ngựa hồng bạch và chiếc trống đại bày ở hai bên lộ bộ.
Khu Mộ Tổ nằm trên một gò đất cao ráo, cây cối um tùm, với bức tường gạch dài bao quanh, nghi môn và hai cổng nhỏ mở ra ngõ 640 Nguyễn Văn Cừ, cách đình khoảng 100m về hướng đông-bắc. Sau nghi môn có bức bình phong đắp cuốn thư và tiếp theo là ban thờ lộ thiên. Cạnh cổng nhỏ bên trái có một tấm bia đá lớn đặt trên lưng rùa, đều mới được dựng gần đây.
Hội đình Gia Thụy diễn ra hằng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch. Trong dịp này, ngoài lễ rước kiệu thành hoàng, dân làng còn tổ chức biểu diễn hát ca trù và tham gia vui chơi các tiết mục truyền thống như đu bay và thi đấu cờ người v.v..