Đình Trạm nằm trên bờ bắc tuyến đê sông Hồng, nơi có nhiều di tích nổi tiếng của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Theo Thần tích ghi nhận Thành hoàng làng của thôn Trạm là Thành Công Tương Liệt Đại vương, Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu, Nam Khê và Xuyên Hoa công chúa (còn gọi là Nha Hoa).
Trong các vị thành hoàng làng, đáng chú ý nhất là Đại Vương Thành Công – tướng của Hai Bà Trưng đã tham gia đánh đuổi giặc Tô Định nhà Hán vào thời đầu Công nguyên. Thần tích và các tư liệu khác cùng các tập tục thờ cúng của nhân dân địa phương đã phản ánh rất rõ nét về Thành hoàng này. Theo Thần tích, tướng Tương Liệt đã lấy hương Cổ Linh, tức thôn Trạm làm nơi đóng đồn cũng là đất sinh phần và nơi thờ cúng. Cùng với thôn Trạm, các làng khác ở xung quanh cũng thờ Đại Vương Thành Công như thôn Nha, Tư Đình, Sài Đồng và Ô Cách…Theo bản Thần tích ghi lại, tướng Thành Công quê gốc ở Thanh Miện, Hồng Châu, đạo Hải Dương, họ Nguyễn. Ông là người có chí lớn, căm thù ách đô hộ tàn ác của thái thú Tô Định nhà Hán, đã sớm tập hợp binh lực, luyện tập võ nghệ tìm kế giúp nước. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Thành Công đã đem tráng binh sớm về tụ hội, ông đã được Hai Bà phong chức là Tương Liệt Đại vương. Khi cuộc khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc lên ngôi vua đã giao cho Thành Công cai quản vùng đất Gia Lâm. Một lần, ông qua trang Cổ Linh, thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, nhân dân thuần hậu nên đã lấy nơi này để dựng hành dinh. Thành Công tâu vua lấy thôn Trạm làm đất hộ nhi và cho lập Sinh từ tại đây. Vùng cai quản của tướng quân Thành Công chính là đất 5 làng sau này đã thờ cúng ông làm Thành hoàng làng. Khi Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, tướng Thành Công đem quân giúp vua kháng chiến. Ông chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công nhưng về sau quân ta yếu thế, giặc vây Hai Bà Trưng tại Cấm Khê, vua tự vẫn, ông thoát vây về Cửu Chân tiếp tục chiến đấu, rồi hy sinh tại trang Tân Quy, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa).
Thôn Trạm là nơi ghi nhận về một vị tướng quân của thời Hai Bà Trưng, một bằng chứng góp thêm phần tìm hiểu về lịch sử cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân tộc. Ở đình còn đôi câu đối ghi nhận công tích của Đức Thánh:
Kỷ tải dực Trưng Vương, Tô tặc bình dư long tướng ấn,
Ngũ thôn chiêm Thánh đức, quy tranh hóa hậu ngật thần từ.
Nghĩa là:
Mấy năm phò Vua Trưng dẹp tan giặc Tô Định rõ ràng ấn tướng,
Năm thôn thờ Đức Thánh, đất tâm quy hiển hóa đẹp điền thiêng.
Tướng Tương Liệt Thành Công được thờ cúng ở thôn Trạm với tính chất là Thành hoàng làng bản thổ gắn liền với việc lập làng, lập ấp từ xa xưa của cư dân nơi đây. Cùng với tướng Thành Công, ở đình Trạm còn thờ 3 vị Thành hoàng nữa là: Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu, Nam Khê và Xuyên Hoa. Ba vị này được triều đình ban phong cho làng thờ cúng (có thể từ thời hậu Lê) đến nay không giữ được Thần tích, Ngọc phả nên cũng không ghi chép được nhiều về công tích.
Ở di tích đình Trạm trước đây còn ghi nhận lễ hội đông vui với nhiều trò diễn dân gian. Chính hội là ngày Rằm tháng Hai âm lịch, ngày sinh của Thành hoàng. Ngày này chủ yếu tập trung tôn vinh đức Đại vương Thành công Tương Liệt (các vị Thành hoàng được ban phong phép vào không có lễ hội riêng). Ngoài ra, tại đình còn tổ chức lễ kỷ niệm ngày hóa của Thánh vào Rằm tháng Bảy. Thời gian gần đây lễ hội không được tổ chức lớn, nhưng vẫn được thôn Trạm và 4 thôn thờ Đức Thánh duy tri đều đặn.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, ở đình – chùa Trạm đã diễn ra một số sự kiện như: Cuộc mít tinh của nhân dân, thành lập chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1946-1954, nơi đây là địa điểm hoạt động của du kích, cán bộ Việt Minh. Sau năm 1954, có thời gian đình là trụ sở ủy ban hành chính xã Long Biên. Thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khu đình – chùa này là nơi sơ tán của Đoàn 919 Không quân và Trạm Quân y dã chiến của sân bay Gia Lâm. Những sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến này đã nâng cao hơn giá trị của di tích.
Hiện nay, toàn bộ kiến trúc đình Trạm nằm trên một khu đất rộng, có nhiều cây lưu niên xanh mát. Đình trông về hướng Nam, nhìn ra đường đê, có quy mô kiến trúc vừa phải, với các hạng mục công trình: Đại đình, Hậu cung, Nhà Tả mạc, phía trước có sân lát gạch. Đại đình là kiến trúc 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai kéo liền ra trụ biểu lợp ngói di. Kết cấu khung gỗ có 6 bộ vì kèo, có 4 hàng cột gỗ, 3 gian giữa có hiên hẹp đều, có cửa bức bàn ngăn với nội thất, ở 2 gian hồi xây tường đến sát bờ nền. Các bộ vì được bố trí theo từng cặp đơn giản.
Tại bụng quá giang của gian giữa có ghi dòng chữ “Hoàng triều Gia Long thập thất niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật, lương thời thụ trụ thượng lương đại cát” tức là cất nóc đình vào ngày 22 tháng 11 năm Gia Long thứ 17 (1818).Căn cứ vào dòng niên hiệu này, cùng việc khảo cứu các hoa văn trang trí trên kiến trúc, có thể thấy niên đại chính của đình Trạm hiện nay thuộc vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX, dù cho sự tích nói đến việc đình đã có từ lâu. Hậu cung đình Trạm khôi phục lại năm 1992, có 4 gian làm tường hậu bít đốc với 5 bộ vì thiết kế đơn giản. Theo điều tra hồi cố thì trước đây Hậu cung của đình làm theo lối chồng diêm, 2 tầng, 8 mái đao cong, ghép liền vào gian giữa Đại đình,tạo mái xối chéo. Bên trái đình có ngôi nhà với kết cấu bộ khung đơn giản nằm trên nền cũ của nhà Tảo mạc, hiện ngôi nhà này chỉ phục vụ sinh hoạt công cộng và dùng cho các công việc của di tích.
Về giá trị điêu khắc của đình chủ yếu tập trung ở tòa Tiền tế với các đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng, kết hợp với vân mây và nhiều biểu tượng với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong, đường nét tinh tế thể hiện hài hòa giữa tả thực và cách điệu đã tạo cho các mảng chạm một nghệ thuật sinh động trong bố cục cân xứng. Ngoài đề tài tứ linh, ở thân xà còn chạm hình Long hóa, Long ám…ở cốn mê có hình Hổ phù đầy vẻ quy nghi, miệng ngậm chữ Thọ hiền lành. Nhìn chung, trang trí trên đình Trạm tập trung ở 2 gian giữa là các đề tài trọng tâm, còn các trang trí khác chỉ chạm khắc hoa văn vân sóng, mây cuộn, trong hình thức giản lược. Tuy vậy, nghẹ thuật của đình Trạm vẫn để lại các tác phẩm nghệ thuật phản ánh tài hoa của những người thợ thủ công hồi đầu thế kỷ XIX, thời kỳ hiếm hoi của các cấu trúc cổ truyền, đình đã mang tư cách nối mạch của dòng nghệ thuật dân tộc.
Trải qua thời gian, bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, đình Trạm không còn giữ được đủ đồ thờ từ thời khởi dựng mà chỉ còn một số ít như: ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối, chóe nước. Vì thế, trong thời gian qua, nhân dân địa phương đã tích cực công đức để di tích ngày càng đầy đủ và tôn nghiêm hơn.
Năm 2006, di tích đã được công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy tác dụng, đây cũng là điều khẳng định về những giá trị của di sản lịch sử văn hóa này.