Làng Sài Đồng tên nôm là làng Sài, vào đầu thời Nguyễn thuộc đất xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (trấn Kinh Bắc trước kia). Gần hai thế kỷ sau, khu vực này đã trở thành một điểm nút giao thông và thị trấn công nghiệp thuộc về quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, địa giới hành chính ở đó không thay đổi lớn so với thời Nguyễn. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, làng Sài Đồng được lập thành một xã riêng, sau đó sáp nhập với nhiều thôn làng xung quanh thành một xã lớn mang tên Gia Thụy. Từ tháng 5-1961, xã Gia Thụy cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về thành phố Hà Nội.
Làng Sài Đồng nằm ven đường quốc lộ QL5, trước khi thực dân Pháp sang đã là con đường liên tỉnh nối Thăng Long – Hà Nội với các trấn Kinh Bắc và Hải Dương. Sài Đồng thời xưa là một làng nông nghiệp trù phú nên trong dân gian mới lưu truyền câu ví “Tiền nhà chúa, lúa Sài Đồng”. Hiện nay ở gần làng vẫn còn lại một phần của con đầm Cầu Xanh rộng lớn từng là chỗ dựa về thủy lợi cho nông dân.
Đình Sài Đồng tương truyền được xây dựng cách đây đã mấy trăm năm, bên trong thờ Linh Lang đại vương. Dân gian tin rằng, Linh Lang chính là Hoàng Chân – con trai của vua Lý Thánh Tông, từng lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm 1076.
Nhưng trong bản khai thần tích để trình vua Bảo Đại ban sắc phong năm 1938 lại chép Linh Lang là vị thiên thần sinh ngày 13 tháng Chạp, mới được một tháng bảy ngày đã cùng hai tướng là Lê Công Báo và Phạm Công Hoàng lên đường đánh giặc Vĩnh Chinh, rồi hiển thánh vào ngày mồng 10 tháng Hai, được làng Sài Đồng và 269 làng khác cùng thờ.
Đình cũ bao gồm các tòa đại bái và hậu cung, kết cấu theo hình chữ “Đinh”, có cửa phụ và tường ngăn với sân ngoài. Đại bái xây 3 gian 2 dĩ, mặt quay về hướng tây-nam, nhìn ra một cái giếng tròn rồi đến sân gạch với đôi voi đá và cổng nghi môn. Hậu cung 1 gian, hai bên là tả hữu mạc rộng 4 gian.
Gần đây đình được trùng tu và mở rộng, đặt thêm linh thú đá. Hai bên giếng có hai tòa nhà lớn và sân gạch rộng, thuận tiện hơn cho lễ hội và các sinh hoạt chung khác của làng. Trước cổng đình là một hồ dài men theo đường quốc lộ. Hồ này nguyên là “Đấu ruộng chúa”, tức ruộng của chúa Trịnh cấp cho dân làng làm hương hỏa để thờ phụng thần Linh Lang. Khi xây sân bay Gia Lâm, phát xít Nhật đã lấy gần hết cánh đồng của các làng xung quanh, lại bắt đào phần ruộng còn lại của Sài Đồng đến sát đình để đắp nền, do đó mới sinh ra hồ.
Di vật chủ yếu trong đình bao gồm một bản thần tích và 12 đạo sắc phong. Các sắc sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Quang Trung 4 (1792, Cảnh Thịnh 1 (1783). Ngoài ra còn có 1 ngai rồng, 1 bài vị, 9 chiếc đài bằng đồng bên trong đặt 9 cái chén bằng bạc, 1 bộ bát bửu, 2 quán tẩy chạm rồng phượng, hoa mai, lá sen, 2 cỗ kiệu, 1 đôi hạc đứng trên lưng rùa và 1 ông phỗng bằng gỗ có từ thế kỷ 18. Long ngai, kiệu gỗ, quán tẩy đều được sơn son thiếp vàng.
Đình Sài Đồng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Lễ hội đình được dân làng tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch.