Thổ Khối, theo cách giải nghĩa của từ Hán – Việt là mảnh đất, khối đất được liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính mảnh đất này trải qua năm tháng của lịch sử đã trở thành một làng quê thân thương. Thổ Khối là một trong 4 thôn của xã Cự Khối trước đây. Phía Bắc giáp phường Long Biên, phía Đông và Đông Bắc giáp Thạch Bàn và Trâu Quỳ, phía Nam giáp xã Đông Dư, phía Tây là sông Hồng, bờ bên kia là huyện Thanh Trì.
Dưới thời Nguyễn, Thổ Khối là một xã thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Thổ Khối và Xuân Đỗ nhập làm một xã mới là Cự Khối thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, đình Thổ Khối thuộc tổ 9, phường Cự Khối, quận Long Biên.
Theo lời kể của dân Thổ Khối thì vào thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) có ông Đào Duy Chinh (Trình) vốn người huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này lập thành ấp Vạn Thổ. Về sau dân cư ngày càng đông đúc lập thành làng Thổ Khối. Khi người họ Đào qua đời, dân làng Thổ Khối ghi nhớ công ơn khai sinh lập ấp, bèn thờ làm Thành hoàng trong đình.
Một tích khác kể rằng, ông là người Thổ Khối, huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Ông có công giúp vua Lê thoát nạn, sau đó được triều đình cho phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây. Nếu có bị vỡ đê, lũ lụt thì được phép viện binh cứu hộ từ Tuần Phủ Thái Bình đến Tuyên Quang. Sau khi ông mất, dân làng thờ ông làm Thành hoàng và được triều đình phong sắc.
Lại còn sự tích nữa kể rằng, sinh thời ông là người có đức hạnh, làm nghề ngư nghiệp bằng thuyền. Một đêm, Thần báo mộng cho ông hay, sáng sớm hôm sau nên chở thuyền ra sông đón vua. Ông tuân theo và quả nhiên khi bơi thuyền tới giữa dòng sông thì gặp vua chạy loạn tới. Ông rước vua qua sông bình yên. Sau này khi ông mất, được phong làm Thành hoàng làng. Vua còn trả ơn, miễn cho người dân Thổ Khối có việc sang qua sông Hồng từ Bát Tràng đến bến đò Dâu không phải trả tiền đò.
Hiện nay, tại đình Thổ Khối còn giữ được 6 cỗ ngai và bài vị có liên đại vào thế kỷ XVIII, tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785), sắc phong cổ nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và đặc biệt trên kiến trúc ở dĩ (chái) của tòa Trung đường còn một vài con chồng (rường) được chạm khắc có nét tương đồng nghệ thuật trên kiến trúc đền Gióng (Phù Đổng), đình Trân Tảo (Phú Thị) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Như vậy, đình làng Thổ Khối cũng có thể được xây dựng ít nhất từ thế kỷ XVIII.
Tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785) hiện được đặt tại bên trái tòa Trung đường cho biết ngôi đình đã được tu sửa vào năm này. Vậy thì vào thế kỷ XVIII, làng Thổ Khối đã là một làng quê ổn định, trong bối cảnh xã hội đương thời.
Vào đầu thế kỷ XVIII, đình Thổ Khối đã thờ 6 vị Thần, nhưng khởi nguyên làng chỉ thờ Thành Hoàng họ Đào, còn các vị Thần khác chỉ được phối thờ. Từ đó, chúng ta có thể tin được Thành hoàng họ Đào phải có trước thế kỷ XVIII cũng đồng nghĩa với khung niên đại lịch sử hình thành làng Thổ Khối. Ngoài thành hoàng họ Đào thì đình làng Thổ Khối còn thờ 5 vị phúc thần.
Trước cửa đình là giếng nước, bờ giếng được viền tường gạch và có bậc lên xuống. Xưa kia, các cụ không cho làm bẩn đến nước giếng, ngay cả việc rửa chân tay, do vậy, dân làng thường lấy nước giếng về sinh hoạt. Giếng đình có giá trị tinh thần rất lớn, không thể tách rời ngôi đình, đó là điểm tụ Thủy và chính là tụ Phúc. Đình Thổ Khối quay về hướng Tây nhằm cầu cho Thần luôn yên vị.
Trước đây, đình còn có Nghi môn với 4 trụ biểu được đắp nhiều con Giống linh thiêng và câu đối chữ Hán. Phía bên phải đình là Văn chỉ, nay đã bị phá. Hiện nay là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã và miếu thờ Nhị vị Thánh Bà.
Sân đình rộng lớn được lát gạch Bát Tràng, dẫn vào tòa Đại đình. Mặt bằng kiến trúc ngôi đình có kết cấu hình tiền nhất, trung đinh, hậu công. Đây là mặt bằng kiến trúc hiếm gặp ở những ngôi đình khác. Tòa Tiền tế và tòa Đại đình được dựng tiếp giáp nhau, có chung máng nước, tiếp đến là tòa Ống muống, qua Ống muống là Hậu cung gồm Cung ngoài và Cung cấm, được cách bởi tòa Thiêu hương.
Tòa Tiền tế được xây 7 gian theo kiểu tường hồi bít đốc. Riêng 3 gian giữa đột khởi theo kiểu mái chồng diêm tạo thành các đầu đao cong. Xung quanh phần cổ diêm là hàng con tiện. Bộ vì được làm khá đơn giản với quá giang đặt trên 2 hàng cột gạch chỉ. Đặt trên các quá giang là hệ thống vì nóc theo kiểu chồng rường. Nghệ thuật tạo tác rất đơn giản, chủ yếu là bào trơn, kẻ soi.
Tòa Đại đình gồm 5 gian 2 chái, nằm song song với tòa Tiền tế. Chính bởi gian chái có hệ thống kẻ góc đã tạo nên cho các góc mái đình cong và tạo thành hệ thống đầu đao, đầu guột khiến cho mái đình một dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển. Nền Đại đình được lát gạch Bát Tràng với 4 hàng chân cột. Bộ vì được kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị thay cột chốn bằng rường cụt, cốn kẻ ngồi, bẩy hiên, đầu dư chạm hình đầu Rồng. Trên các cấu kiện chủ yếu là chạm hoa lá và Rồng cách điệu tạo cho kết cấu bớt đi vẻ thô kệch.
Tòa Ống muống là ngôi nhà nhỏ nối liền giữa Đại đình với hậu cung. Đó là ngôi nhà làm theo kiểu chồng diêm, kết cấu khá đơn giản, đề tài chạm trổ chủ yếu là Rồng, mây, hoa, lá. Kiến trúc này đã giúp nội thất ngôi đình được thông thoáng và đảm bảo có ánh sáng tự nhiên.
So với các ngôi đình khác ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Hậu cung đình Thổ Khối có kết cấu hình chữ Công, bao gồm Cung ngoài, Thiêu hương và Cung cấm.
Cung ngoài là ngôi nhà 3 gian nằm song song với tòa Đại đình. Cung này được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, có hệ thống cửa bức bàn. Các bộ vì làm theo kiểu giá chiêng, chồng rường, trụ trốn. Đỡ các vì là hệ thống 4 hàng chân cột. Các đầu dư ở đây cũng được thể hiện kiểu đầu Rồng, hình mập, mắt lồi, miệng há rộng ngậm ngọc “Minh châu”, râu dài xoắn hình chữ S, bờm tạo thành các đao mác. Nghệ nhân xưa đã sử dụng lối chạm bong kênh kết hợp chạm lộng, khiến cho đầu Rồng uyển chuyển và sống động.
Thiêu hương là ngôi nhà nhỏ nối liền gian giữa của Cung ngoài với Cung cấm. Thiêu hương làm khá đơn giản, nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là bào trơn, kẻ soi và trang trí các hoa văn.
Cung cấm là một ngôi nhà 3 gian được làm khá đơn giản theo kiểu đầu hồi bít đốc. Các bộ vì của Cung cấm có kết cấu theo kiểu vì quá giang gối đầu lên tường. Nghệ thuật chạm khắc các bộ vì đơn giản, chỉ là bào trơn và kẻ soi.
Thông qua hệ thống bia ký và chữ ghi trên nóc của Đại đình thì đình Thổ Khối chỉ còn thấy niên đại của quá trình tu bổ vào những năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), Minh Mệnh thứ 3 (1822), Minh Mệnh thứ 18 (1837) và năm Quý Mùi (1883), năm 1861 tu sửa Hậu cung.
Đình làng Thổ Khối hiện nay còn lưu giữ 73 đạo sắc phong của các triều đại vua trước đây, trong đó, có 3 đạo sắc phong được sao lại và 6 đạo sắc phong cho Nhị vị Thánh Bà (Xuân Dung phu nhân và Tùng Hoa phu nhân).
Đạo sắc có niên đại sớm nhất vào năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và có đạo sắc có niên đại muộn nhất là Bảo Đại thứ 15 (1940). Trong bộ sưu tập sắc phong đó có những đạo sắc thời Tây Sơn, với niên hiệu Quang Trung năm thứ 4 (1791) và niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793).
Đình Thổ Khối còn thờ Nhị vị Thánh Bà, trước đây, được thờ ở khu ao 5 góc, do sụp đổ, nhân dân đã mang bài vị về thờ cạnh đình. Ngoài ra, xưa kia ở bên trái đình còn có Từ chỉ.
Trải qua năm tháng và nhiều lần tu sửa, đình Thổ Khối hiện chỉ còn lưu giữ được 5 tấm bia đá tạm đủ để chúng ta có thể tìm hiểu được lịch sử hình thành, tồn tại và quá trình thay đổi ngôi đình. Đặc biệt hơn khi nghiên cứu phần Minh văn chữ Hán còn cho biết được tình hình làng xã đương thời như việc đóng góp sức người, sức của để trùng tu di tích, việc phân chia, mua bán đất, việc phân định các giáp trong làng để tiện cho việc thờ cúng các vị Thần…
Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Cùng với chùa, đình Thổ Khối tạo thành cụm di tích để mọi người có thể tham quan, tìm hiểu và góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu lịch sử làng xã Việt Nam.