Đây là một di tích có cảnh quan rộng rãi, quy mô bề thế và là một trong những ngôi đình lớn của quận Long Biên. Trường Lâm là một trong những địa danh cổ của Hà Nội, dưới thời Lý có tên gọi là Lâm Ấp, thời Lê là Hoa Lâm, đến năm 1841 được đổi tên là Trường Lâm. Trước năm 1945, Trường Lâm thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1954, Trường Lâm thuộc quận 8, Hà Nội. Từ năm 1963 đến hết năm 2003 thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm. Từ năm 2004 đến nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình Trường Lâm thờ 3 vị Thành hoàng làng là Đức Thánh Linh Lang thời Lý ở vị trí quan trọng nhất và các tiết lễ chính của làng đều tưởng vọng Ngài. Hai vị khác là Đào Hoa công chúa còn gọi là Thiên Tiên Đào Anh phu nhân và Phù Nàng công chúa. Đức Thánh Linh Lang được thờ phụng tại rất nhiều di tích khác nên huyền tích về Ngài có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống đã được đông đảo nhân dân biết đến. Còn huyền tích về 2 bà Đào Hoa và Phù Nàng hiện chưa tìm được sách sử nào ghi chép, nhưng theo sắc phong và truyền thuyết dân gian của đình làng Trường Lâm thì 2 bà là nhân thần được dân làng thờ phụng từ khi lập làng, là người dạy dân nghề ca hát, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chống ngoại xâm.
Theo lời kể của các cụ bô lão trong làng thì đình Trường Lâm đã có từ xa xưa và di chuyển vị trí nhiều lần theo địa điểm cư trú của làng. Theo hồ sơ xếp hạng ôi tích thì đình có các niên đại tạo dựng chủ yếu như sau:
– Tòa Đại đình có niên đại trong khoảng từ năm 1846 đến năm 1896.
– Ống muống có niên đại năm 1903.
– Hậu cung có niên đại 1913 .
Tòa Tiền tế có niên đại năm 1925.
Tuy nhiên, qua các dấu tích và phong cách kiến trúc của đình Trường Lâm thì việc tạo dựng đình có thể theo trình tự như sau: Khoảng đầu thế kỷ XIX, tại địa điểm ngôi đình hiện nay đã tồn tại một tòa kiến trúc có mặt bằng hình chữ công, hai bên có 2 tòa Giải vũ. Đến năm 1903, dân làng đã cho tu bổ và di chuyển tòa Đại đình có niên đại 1846 về vị trí Đại đình hiện nay. Đợt tu bổ này đã xây dựng toàn bộ hệ tường gạch Bát Tràng cổ của Hậu cung và ống muống cùng toàn bộ hệ khung gỗ của ống muống, nên niên đại ghi trên thượng lương của tòa ống muống có ghi là năm 1903.
Đợt tu bổ năm 1913 đã thay toàn bộ phần gỗ mái của Hậu cung và xây tường gạch thẻ phần Nhà quan và Nhà cụ thọ hai bên Giải vũ cũ. Tòa Tiền tế được xây dựng năm 1925 và sau đó là 2 tòa Tảo mạc, Nghi môn ở phía trước sân đình. Bên ngoài là ruộng và ao đình. Sở dĩ có lý giải như vậy là dựa vào các căn cứ: Thông thường phía trước các di tích xưa thường có 2 tòa Tảo mạc, qua sự biến đổi mở rộng của tòa Đại đình nên 2 tòa Tảo mạc cũ đã như bị lui lại thành 2 nhà Giải vũ như hiện nay. Mặt khác, tòa Đại đình cũ trước khi tu bổ, đã thể hiện rất rõ sự lắp ghép nên làm di chuyển một số mộng gỗ và một vài cấu kiện không khớp với nhau. Vì vậy, Đại đình đã xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến trong đợt tu bổ năm 2004 đã phải thay thế hầu hết các cấu kiện kiến trúc bằng gỗ của hạng mục này.
Do sự xây dựng và tu bổ đình diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, sự ghi chép còn sơ sài, nên các dấu tích nguyên gốc còn lại của đình là bằng chứng xác thực nhất minh chứng cho quá trình tạo dựng trên. Theo đó, hiện vật còn sót lại của tòa Đại đình (1846) là bộ đầu dư và 2 bức còn chạm Rồng Ổ tại gian giữa của Đại _đình, đi kèm với gian giữa là bộ cửa võng cũng có phong cách chạm trổ của niên đại nửa đầu thế kỷ XVIII. Rất tiếc là đợt tu bố Đại đình năm 2004 do việc thay thế toàn bộ các kết cấu gỗ cũ chỉ lưu giữ được các dấu tích này.
Hệ kết cấu gỗ 3 gian Hậu cung của đình được gia công đơn giản theo lối “bào trơn mộng bén”, vì kèo chồng rường. Phần tòa ống muống có 4 gian 8 cột với các bộ vì kèo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ” ngồi lên xà nách, đầu xà gối vào tường hồi. Bộ vì đầu tiên có các bức còn chạm trổ tinh vi tạo nên vẻ uy nghiêm với hình tượng Rồng chầu 2 bên,. vì nóc chạm hình Hổ phù ngậm chữ thọ, điểm xuyết xung quanh là các đường triện và hoa lá; phía trên cửa cung có bức đại tự sơn son thếp vàng ghi bốn chữ “Thánh Cung vạn tuế”.
Tòa Đại đình có cấu trúc 5 gian 2 dĩ với bộ vì kèo 4 hàng chân. Phần bẩy hiên truyền thống cũ của bộ vì này đã mất khi tạo dựng thêm tòa Tiền tế vào năm 1925. Kết cấu gỗ hiện được thay mới toàn bộ bằng gỗ lim, song vẫn lưu giữ được nhiều họa tiết đục chạm cũ. Cấu tạo vì kèo theo kiểu phượng giá chiêng chồng rường con nhị hạ kẻ”, riêng 2 vì chính gian giữa có cơn bưng chạm Rồng ổ. Cấu trúc tòa Tiền tế được mở rộng do kết cấu vì mái làm theo kiểu cột trốn đứng trên quá giang, quá giang lại gối 2 đầu lên tường trụ xây cuốn. Toàn bộ 6 bộ vì được làm theo kiểu giá chiêng “chồng rường hạ còn”. Toàn bộ các chi tiết gỗ được gia công chạm trổ Rồng, phượng kỹ lưỡng. Phía ngoài 5 bộ cửa bức bàn được chạm trổ hoa lá có hình thức “thượng song hạ bản” là hiên mặt tiền xây cuốn gạch, mà gian giữa được cuốn cao, hướng đường cong ra phía trước tạo hình thức mặt đứng theo kiểu kiến trúc cung đình Huế, thịnh hành trong thời kỳ đầu thế kỷ XX.
Toàn bộ nền đình được chia 2 cấp, gian giữa được hạ thấp xuống khoảng 30 em; hai bên xây cao hơn tạo trục không gian hành lễ nghiêm trang. Điều này nói lên cấu trúc của ngôi đình có niên đại muộn này (thế kỷ XIX) đã không còn khả năng làm sàn gỗ hai bên.
Hai bên sân gạch rộng, phía trước nhà Tiền tế còn lại dấu tích 2 nền nhà Tảo mạc cũ được xây dựng cùng thời kỳ với Nghi môn cũ của đình (các di tích này đã bị mất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) , Nghi môn mới đã được nhân dân địa phương phỏng dựng trên nền móng cũ.
Có thể nói, chính quyền và nhân dân Trường Lâm rất quan tâm tới di tích, thể hiện qua quá trình tu bổ, tôn tạo lâu dài, cụ thể là những năm 1979, 1980, nhân dân Trường Lâm đã từng bước khôi phục lại hệ thống đồ thờ tự đã bị xuống cấp trong thời kỳ chiến tranh và do hợp tác xã nông nghiệp sử dụng làm kho nông nghiệp. Sau đó đến năm 1982 đã sửa chữa toàn bộ cửa đình, năm 1987 đảo ngói, chống ẩm và chỉnh trang diện mạo di tích gần như ngày nay… Vì những giá trị di sản văn hóa đặc trưng, di tích đình Trường Lâm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Một di tích thời kỳ hiện đại là tượng đài Bác Hồ với nhà Phương đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc cuối thế kỷ XX chiếm vị trí trang trọng của khu sân đình hiện nay là nhằm ghi lại sự kiện 2 lần Bác Hồ về thăm địa phương – một trong những sự kiện được Đảng bộ, chính quyền nhân dân Trường Lâm mãi mãi tự hào và lưu truyền. Đó là ngày 18-2-1958, tức sáng mồng một Tết Mậu Tuất, Bác Hồ và lãnh đạo Uỷ ban hành chính Hà Nội lúc đó là Bác sĩ Trần Duy Hưng đã về thăm, biểu dương chính quyền và nhân dân Trường Lâm có nhiều thành tích làm thủy lợi chống hạn, khai hoang trong năm 1957. Lời căn dặn của Bác về sản xuất, bảo vệ giữ gìn di tích đình Trường Lâm, chăm lo đời sống, học tập cho thiếu nhi địa phương vẫn còn đọng sâu trong tâm khảm nhiều cụ phụ lão của thôn, đã được kể lại nhiều lần cho con cháu nghe và học tập. Một lần khác, Bác về Trường Lâm để dự Hội nghị chiến sĩ thi đua của Bộ Nông trường tổ chức tại xóm Thanh Đồng. Do vậy, ngoài việc là di tích lịch sử truyền thống của địa phương, đình Trường Lâm còn là nơi lưu giữ kỷ niệm không phai mờ tình cảm của nhân dân địa phương với Bác Hồ kính yêu. Ngày 19-5-2006, thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển Di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm.
Với sự phát triển đô thị hóa tại địa phương, một phần ruộng, vườn của đình hiện nay đã trở .thành chợ phục vụ sinh hoạt cho cả thôn Trường Lâm. Thiết nghĩ, nếu quy hoạch khu chợ này theo kiểu một chợ quê – chợ cửa Đình để phù hợp với cảnh quan chung của khu di tích thì mai sau nhân dân địa phương cũng như thành phố Hà Nội sẽ còn lưu giữ được một nét văn hóa thuần khiết hồn Việt giữa lòng một khu đô thị đang phát triển và khu di tích đình Trường Lâm với vị trí và giá trị lịch sử văn hóa của nó sẽ là điểm đến của nhiều du khách.