Làng Nông Vụ Đông nằm ở bờ nam sông Đuống, trong địa bàn của cư dân Việt cổ, đối diện với bờ bắc là Phù Đổng, quê hương của người anh hùng Thánh Gióng. Buổi đầu cư dân đến khai phá ở khu vực này đã lập ra trang Nông Vụ. Theo dòng thời gian, trang ấp ngày một thịnh đạt, cư dân đông đúc dần, trang Nông Vụ phát triển thành 3 thôn Thượng, Trung và Đông.
Theo truyền thuyết và hồi ức của nhân dân địa phương, ngay từ thời Vua Hùng thứ 6, tráng đinh của trang Nông Vụ đã gia nhập đoàn quân của phù Đổng để đánh đuổi giặc ân. Thế kỷ thứ VI, Nông Vụ có 3 vị dũng tướng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do Lý Nam Đế lãnh đạo. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII XVIII), chúa Trịnh cho xây dựng hành cung tại Cổ Bi, sát phía nam của Nông Vụ, nhiều quận chúa, cung phi, người hoàng tộc trong phủ chúa đã về thăm và bỏ tiền công đức để xây dựng, tu bổ những công trình kiến trúc tôn giáo ở nơi này. Thần tích, sắc phong, bài vị, truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết, đình Nông Vụ Đông thờ 3 vị nhân Thần có công với nước, với dân. Đó là các vị Thần có liên quan trực tiếp tới cuộc sống và quá trình đánh giặc của người dân trên mảnh đất Nông Vụ. Tuy vậy, ở mỗi làng, vị trí của từng vị Thần được tôn vinh có khác nhau. Thần tích chép rằng: Thời vua Lý Nam Đế, ở Hoàng Hóa có 2 vợ chồng ông Trịnh Doan và bà Nguyễn Thị Kim sống hòa thuận với nghề buôn bán ngược xuôi. Tuy muộn con, song 2 người rất siêng làm điều thiện, chăm cầu cúng. Quả phúc đến, bà có thai 12 tháng thì sinh hạ một bọc với 3 người con, hai trai một gái. Hôm ấy là ngày 12 tháng 2, do mệt nhọc, bà Nguyễn Thị Kim đã mất sau đó 3 ngày. Buồn vì mất vợ và cũng còn vì kế sinh nhai, ông Trịnh Doan đã mang cả 3 đứa con thơ dại xuống thuyền đi buôn bán. Thuyền của ông ngược sông Thiên Đức, đến đoạn gần trang Nông Vụ thì gặp gió to, sóng dữ mà bị vỡ. Người bố qua đời, 3 người con nằm trên ván thuyền trôi dạt vào bờ nam và được nhân dân trong trang vớt mang về nuôi. Người con gái sống ở trang Trung, người con thứ ba ở trang Hạ, còn người anh cả về sống ở xóm Thượng. Xác của người cha cũng được dân trang Nông Vụ tìm vớt mang về mai táng.
Ba anh em họ Trịnh có tướng mạo kỳ vĩ khác thường, tài năng lẫy lừng trong thiên hạ. Năm họ 15 tuổi, nước có giặc ngoại xâm, quân giặc đông, lương sẵn, đã chiếm đóng được nhiều vùng châu quận. Trước họa xâm lăng, nhà vua phải thân chinh cầm quân dẹp giặc. Khi qua sông Thiên Đức, vua nhớ tới 3 anh em họ Trịnh nên ghé thuyền vào hỏi và được các bô lão của trang Nông Vụ tâu trình tường tận về tài đức của 3 người. Vua rất mừng bèn cho thu nạp 3 anh em cùng với những tráng đinh của trang xung phong tòng quân.
Nhà vua giao cho 3 anh em đóng đồn Thượng, Trung, Hạ tại 3 thôn của trang Nông vụ. Chỗ vua đóng bản doanh ở châu Giang Biên, gọi là Hội đồng cung. Ba anh em dẫn quân xung trận đánh tan quân giặc. Tin thắng trận về tới triều đình, nhà vua mở tiệc mừng công và phong thưởng chức tước cho tướng sĩ. Anh em họ Trịnh được phong “Quốc hầu” rồi gia phong làm “Thượng chỉ gia thần”. Sau lễ mừng công, 2 anh em Trịnh Chính, Trịnh Trí được vua sai đi tuần thú một số nơi. Khi về đến trang Nông Vụ trời bỗng nổi mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội, 2 người cùng vào Thượng đồn. Lúc trời quang mây tạnh, dân trang thấy lạ kéo đến thì 2 người đã hóa. Hôm đó là ngày 15 tháng 7 âm lịch. Người em gái là Quốc Nương nghe tin 2 anh mất liền đến thăm viếng rồi tự vẫn theo.
Nhận được biểu tâu trình của nhân dân trang Nông Vụ, nhà vua vô cùng thương xót, rồi cho chôn cất 3 anh em họ Trịnh theo nghi lễ đối với bề tôi có công lớn với nước, các thôn được lập đền thờ: Trịnh Chính được thờ chính ở Nông Vụ Thượng (tức thôn Thượng Đông), Trịnh Trí ở Nông Vụ Hạ (tức Nông Vụ Đông) và người em gái ở Nông Vụ Trung. Vua còn phong thêm cho các ông làm “Đương cảnh Thành hoàng tá quốc hùng uy dục hòa bảo chính Thượng đẳng phúc thần”. Các đời vua kế tiếp sau đều có ban tặng sắc phong để biểu dương công đức của Thần. Dân làng từ đó phụng sự các vị phúc Thần theo tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng.
Hàng năm, dân làng Vo Đông mở hội vào ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh của các vị Thần. Trước ngày hội chính, làng tổ chức rước nước từ giữa dòng sông Đuống về làm lễ mộc dục. Ngày hội, cùng những trò chơi thượng võ hát cửa đình là đám rước Thần long trọng giữa 3 thôn của trang Nông Vụ xưa và Giang Biên – nơi vua Lý đóng đại bản doanh. Hội rước giữa các thôn là một hình thức ôn lại lịch sử đánh giặc hào hùng của các vị Thành hoàng làng và gợi nhớ về một gốc nguồn chung của cả 3 thôn – tức Nông Vụ trang.
Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đình Nông Vụ Đông bị giặc Pháp đốt cháy từ năm 1947, sau đó dân làng chuyển vị trí đình về sát chùa. Sau này do kinh tế phát triển, nên dân làng Vo Đông lại chuyển đình về vị trí hiện nay trên nền cũ vốn có trước đây.
Ngôi đình hiện nay được dùng bằng gỗ, làm theo lối kết cấu truyền thống, mặt đình nhìn về hướng nam, phía trước là hồ nước rộng, xung quanh trồng cây ăn quả. Đình gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp vôi vữa đơn giản, chính giữa nóc nhô cao, đắp nổi hình Rồng chầu mặt trời. Phía trước của hai tường hồi đều xây cột trụ biểu cao, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, trên cùng đặt tượng Nghê hướng mặt vào nhau. Nền nhà Đại bái được tôn cao 50cm so với mặt sân, nền lát gạch Bát Tràng (loại 30cm x 30cm) , phía trước mở cửa bức bàn gỗ, phía sau thông vào Hậu cung.
Các bộ vì đỡ mái nhà Đại bái có kết cấu chồng rường giá chiêng và bẩy hiên. Kiểu vì giá chiêng được tạo ra bằng sự kết hợp của 2 cột chốn đặt trên câu đầu; các tường có một đầu ăn mộng vào thân cột trốn, đầu kia vươn ra để đỡ hoành mái. Các vì đều tì lực trên 4 hàng chân cột, mái phân “thượng tứ, hạ ngữ”, kích thước đường kính cột cái khoảng 50cm, cột quân 40cm.
Điêu khắc trên kiến trúc của Đại đình được thể hiện chủ yếu trên các bộ vì, các rường nách được chạm nổi văn thực vật, vân mây, sóng nước, hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Đầu dư được chạm nổi lòng hình Rồng, bờm có đao mác, miệng há to ngậm viên ngọc tròn. Dọc theo diềm mái có đồ án văn chiến, tứ quý, vân mây, vân đồng tiền v.v. . Đề tài chạm khắc theo kiểu thức của thời Nguyễn muộn, song những mảng chạm này đã góp phần làm sinh động cho ngôi đình, đường nét tuy chắc khỏe mà không đơn điệu. Gian giữa của đình đặt hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, phía trên bày các ô thờ.
Nối liền với Đại bái, về phía sau là Hậu cung của đình, gồm 3 gian cũng được xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc Bộ khung nhà gồm 4 bộ vì gỗ làm theo dạng giá chiêng kẻ truyền, mỗi bộ vì gồm 4 chân cột, các cột có kích thước trung bình. Chính giữa Hậu cung đặt sập thờ, trên đó là Long ngai, bài vị và nhiều đồ thờ tự khác. Long ngai, bài vị được chạm trổ tỷ mỹ, công phu với đề tài chủ đạo là hình tượng Rồng trong nhiều tư thế, bố cục khác nhau. Đầu của 2 tay ngai chạm hình đầu Rồng với râu và tóc kết thành đao bay về phía sau. Rồng trên bài vị và các chi tiết khác của ngai thường kết hợp với văn mây theo quan niệm “Long Vân khánh hội”. Hiện vật độc đáo này mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng và có giá trị khẳng định sự tồn tại của ngôi đình làng từ thế kỷ XVII – XVIII
Trong đình hiện còn bảo lưu được nhiều di vật phong phú, đa dạng có giá trị lịch sử văn hóa: 5 đạo sắc phong Thần, sắc sớm nhất có hiện đại Cảnh Thịnh như niên (1794), một cuốn Thần phả bằng chữ Hán, một bộ ngai bài vị sơn son thếp vàng thế kỷ XVIII, một sập thờ chạm Rồng mang niên đại thế kỷ XIX. Ngoài ra, trong đình còn khá nhiều hoành phi, câu đối, Bát bưu, kiếm thờ, tượng, chiêng đồng v.v. .
Từ trước đến nay, đình Nông Vụ Đông là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hình ảnh ngôi đình làng trở nên quen thuộc, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Việc gìn giữ, bảo vệ ngôi đình làng là biểu hiện sự trân trọng những di sản văn hóa của nhân dân, nơi giáo dục phát huy những truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.
Suốt quá trình tồn tại trong lịch sử, đình Nông Vụ Đông đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, gần đây nhất là năm 2002 ngôi đình được khôi phục theo kiểu thức cổ truyền trên nền móng cũ. Đình Nông Vụ Đông là nơi hội tụ được những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần truyền thống nên được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.