Thanh Am trời đã vào hạ tự độ nào. Ve ngân ra rả trên vòm cây, nắng khẽ buông mình trên nhành muồng hoàng yến, neo đậu trên cánh hoa bằng lăng tím ngăn ngắt. Trong căng phòng thư viện còn thoang thoảng mùi gỗ mới, sách mới, tôi cầm trên tay cuốn sách “Truyện thơ cổ tích và lịch sử Việt Nam” của tác giả Đỗ Trọng Kim. Cuốn sách nhỏ nhắn, vỏ bìa màu xanh thẳm với núi non, mây trời, cây đa già và nồi bánh chưng của Lang Liêu khiến tôi bị thu hút bởi vẻ ngoài giản dị, quen thuộc. Tôi tự hỏi: Đã bao lâu rồi những câu chuyện cổ tích bị người lớn chúng ta bỏ quên giữa cuộc sống xô bồ này?
Ngồi lật mở từng trang sách, bất giác nhìn ra ngoài sân thấy cái nắng tháng sáu đỏ lửa trên sân trường, tôi lại nhớ thuở nhỏ thường hay nằm võng nghe bà kể truyện xưa tích cũ. Những câu chuyện cổ tích theo giọng nói trầm ấm của bà cùng tiếng võng kẽo kẹt đưa tôi vào giấc mơ với cô Tấm, Thạch Sanh, ông tiên, bà bụt....
Hẳn là bất cứ ai trên đời này đều đã trải qua cảm giác đắm mình trong thế giới thần tiên kì diệu của những câu chuyện cổ. Cuốn sách của tác giả Đỗ Trọng Kim đã tái hiện lại không gian của thế giới thần tiên ấy bằng một cách thật đặc biệt- đó là những vần thơ lục bát dung dị.
Vẫn là truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc đó thôi nhưng lại mang một âm điệu hào hùng của tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm. Câu chuyện kết thúc bằng một giọng thơ bay bổng, lãng mạn:
“Trên cao mây trắng gió vờn
Nhìn về quê mẹ cảm ơn xóm làng
Cởi bỏ áo mũ bên đàng
Cả người lẫn ngựa thênh thang về trời”
Vẫn là sự tích trầu cau đượm tình anh em, phu thê quấn quýt, vương vít tơ trời vậy mà tác giả lại gửi thêm vào đó bao bài học ý vị về đạo hiếu nghĩa, vợ chồng, anh em
“ Cuộc sống hiếu nghĩa làm đầu- Gia đình hòa thuận trước sau ngọn ngành”
Thậm chí những đạo lí sống trên đời cũng được tác giả thể hiện khá hóm hỉnh: Khôn ngoan, ranh mãnh chẳng qua được trời.
Sáu mươi câu chuyện cổ bằng thơ là sáu mươi bài học quí giá, hướng con người ta tới nét đẹp chân- thiện- mĩ. Để rồi ta cảm mến yêu thích những bài học giản dị mà cha ông đã dạy ta từ thuở hồng hoang.
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Có lẽ, chính vì những tình yêu ấy mà nhà thơ Đỗ Trọng Kim đã dày công viết lên tập truyện thơ cổ tích và lịch sử Việt Nam. Cuốn này này thực sự phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi. Bởi nó dễ thuộc, dễ nhớ và trên hết, nó được viết từ một con người có trái tim yêu mến văn học dân gian, yêu mến ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng. Cảm ơn tác giả đã đem lại hơi thở mới cho những câu chuyện cũ!
“ Mặc cho bão nổi sóng xô- Tích xưa truyện cũ đượm tô tình người.