Có phải lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu thời gian để hoàn tất mọi công việc trong ngày? Có phải chúng ta luôn thấy mình chậm trễ? Đừng quá lo lắng. Đó là vấn đề không của riêng ai, có rất nhiều học sinh trung học cũng gặp vấn đề như vậy. Với khối lượng bài vở khổng lồ trên trường, lại còn phải chạy sô đi học kèm, nào toán, văn lại còn ngoại ngữ, chưa kể các môn như lí, hóa, các môn năng khiếu, các kĩ năng về vi tính, tin học nữa chứ. Sắp xếp thời gian làm sao để vừa có thể học, vừa có thể thư giãn để không bị stress quả là vấn đề nan giải. Sau đây là một vài bí kíp có thể giúp chúng ta quản lý thời gian và sắp xếp cuộc sống hợp lý hơn. Chúng ta cùng tham khảo nhé!
1. Lập danh sách những việc cần làm trong ngày:
Đặt những việc quan trọng lên hàng đầu và làm trước. Để dễ dàng hơn có thể sử dụng một danh sách để theo dõi tất cả những việc cần hoàn tất. Và đừng quên tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành xong một công việc.
2. Sử dụng thời gian rảnh rỗi hợp lý:
Chẳng hạn bạn có thể đọc sách khi đi xe buýt đến trường. Như vậy là bạn đã dùng một mũi tên mà bắn trúng hai đích rồi đấy. Hoặc lúc giải lao, bạn có thể dọn dẹp góc học tập giúp không gian thoáng hơn, tạo tâm trạng thoải mái. Khi có tinh thần thoải mái thì việc học tập hiệu quả hơn.
3. Biết cách nói "không":
Nếu bạn được rủ đi đá bóng, xem phim,…vào tối thứ 5, trong khi sáng thứ 6 bạn có bài thi. Tốt nhất là bạn nên từ chối. Hãy luôn nghĩ đến những ưu tiên trong ngắn hạn và dài hạn của bạn. Chẳng phải với một học sinh, kết quả học tập tốt luôn là một trong những mục tiêu quan trọng hay sao?
4. Tìm thời điểm thích hợp:
Bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu bạn biết khi nào bạn có thể làm tốt nhất. Đối với mỗi học sinh lại có thời gian học tập hiệu quả khác nhau, có thể là sáng sớm, buổi trưa, buổi chiều hoặc có thể là buổi tối,… Bạn nên dành thời gian học tập hiệu quả nhất để hoàn thành những nhiệm vụ học tập quan trọng và mang tính phức tạp, cần bộ não hoạt động nhiều hơn. Những khoảng thời gian ít tập trung hơn thì các bạn nên hoàn thành các nhiệm vụ học tập vừa sức. Ví dụ nếu đầu óc bạn linh hoạt trong tính toán vào buổi trưa thì đừng để bài tập toán đến tối bạn nhé.
5. Ôn lại kiến thức mỗi ngày:
Bạn nên nắm chắc những gì đã học. Như vậy bạn sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức mới hơn. Và bạn sẽ không bị khớp nếu giáo viên bất chợt gọi bạn lên bảng.
6. Ngủ thật ngon giấc:
Đừng cố thức khuya để làm xong việc gì đó. Thiếu ngủ thường xuyên chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi và làm việc kém hiệu quả. Ngủ sớm dậy sớm… Việc ngủ sớm sẽ giúp cho não bộ, các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi. Từ đó bạn có nhiều thời gian hơn cho các kế hoạch trong ngày, tích cực.
7. Cho mọi người biết thời gian biểu của bạn:
Nếu những cú điện thoại, tin nhắn từ facebook cứ làm phiền bạn. Hãy nói với bạn bè là bạn chỉ có thể nhận điện thoại, tin nhắn từ 7 đến 8 giờ tối. Điều này nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng lại rất có ích đấy.
8. Trở thành người biết phân-chia-công-việc:
Hãy tính xem một tuần bạn có bao nhiêu thời gian rảnh rỗi. Sau đó lập một quỹ thời gian và lên kế hoạch cho mọi hoạt động dựa theo đó.
9. Đừng phí thời gian lo lắng không đâu:
Bạn có bao giờ phí cả một buổi tối lo lắng về một việc mình chưa làm được? Như thế có đáng không? Thay vì dằn vặt bản thân cũng như chần chừ, do dự ,hãy bắt tay vào làm việc đó ngay đi.
10. Biết đặt mục tiêu vừa sức:
Lập nên những mục tiêu không thực tế chỉ khiến mình chuốc lấy thất bại mà thôi. Đặt những mục tiêu lớn cho bản thân là rất tốt nhưng không nên làm quá sức. Bạn nên đặt ra những mục tiêu khó nhưng có khả năng làm được.
Các em hãy tham khảo những bí kíp này và có thể thay đổi chút ít cho phù hợp với thói quen của mình. Nếu chúng ta biết đặt những ưu tiên phù hợp với bản thân lên hàng đầu thì cơ hội để hoàn tất những ưu tiên đó là rất lớn. Chúc các em luôn gặt hái được những thành công trong học tập và cuộc sống trong tương lai!