Tự nhận thức bản thân chính là bạn nắm rõ được bản thân mình muốn gì, cần phải làm gì. Chúng ta sẽ không phải sống trong cảm giác hoang mang, lo lắng về tương lai, về các vấn đề xoay quanh cuộc sống của mình. Kĩ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân vô cùng quan trọng bởi nó sẽ hướng chúng ta đến những con đường mình cần đi, giúp chúng ta hiểu được bản thân và hiểu được cả cảm xúc của những người khác nữa. Ngược lại, khi chúng ta chưa tự nhận thức được bản thân mình đang ở vị trí nào chúng ta luôn phải ép bản thân mình làm những điều mình không muốn, dẫn đến hàng loạt cảm xúc khó chịu, nóng nảy, gây ảnh hưởng đến những mỗi quan hệ xung quanh. Nhất là đối với các bạn học sinh lớp 9, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cấp ba, nếu các em nhận thức sai về năng lực, trình độ, mong muốn của bản thân thì chắc chắn sẽ bỏ lỡ ngôi trường phù hợp với khả năng của mình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và cuộc sống của các em.
Mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt độc đáo, chính vì vậy mà phương pháp rèn luyện hay sự tự nhận thức, đánh giá về bản thân sẽ có phần khác nhau, dưới đây là một số những gợi ý về cách rèn luyện kĩ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân cho các em:
1. Thay đổi cách nhìn nhận về bản thân theo hướng tích cực, khách quan:
Cho dù bản thân có tồi tệ đến đâu nhưng hãy cứ nhìn nhận nó theo hướng hoàn toàn mới. Các em có thể tự chấp nhận bản thân mình.
Hãy viết ra giấy những hiểu biết cụ thể của bản thân, cho dù chỉ là một cái, bất kể là ưu điểm hay khuyết điểm của mình.
Hãy nghĩ đến những điều khiến em tự hào về bản thân mình, điều làm em cảm thấy có ích hơn trong cuộc sống như: Hành động giúp đỡ bà cụ qua đường, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, điểm 9 10 của một môn học mà em yêu thích, một lời khen từ bố mẹ, bạn bè…
Hãy hỏi những người xung quanh em, xem họ cảm thấy như thế nào về em, dù cho là những lời khen hay chê thì cũng ghi nhớ lại toàn bộ nhé. Bởi điểm tốt chúng ta có thể phát huy và những điểm chưa tốt hoàn toàn có thể sửa. Không ai trong cuộc đời luôn đúng cả nên các em đừng ngần ngại nhé.
2. Đừng ngại viết nhật ký:
Ở lứa tuổi học sinh của chúng ta chắc chắn ai cũng sẽ có lần viết nhật ký, đừng thấy nó đơn giản mà coi thường nhé bởi khi đó chúng ta sẽ viết ra tất cả những gì mình nghĩ, giúp ta thêm mới hoặc loại bỏ được những ý tưởng.
Sau một ngày học tập mệt mỏi, căng thẳng, hãy mở nhật kí ra và viết lại những điều mình gặp phải trong ngày, những cái mình làm được và chưa làm được. Đó cũng có thể là những cảm xúc vui, buồn, tức giận,… hãy ghi chép đầy đủ lại nhé.
Hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi khi đứng ở vị trí của người khác, có thể là thầy cô, cha mẹ, bạn bè, tự hỏi sẽ thế nào nếu em làm như vậy, nó sẽ giúp các em xác định rõ hơn mình là ai, mình muốn trở thành người như thế nào.
3. Viết ra những kế hoạch của mình trong tương lai:
Hãy chuẩn bị cho mình một cuốn sổ nhỏ và ghi vào đó những mục tiêu mà em muốn đạt được trong thời gian ngắn, hoặc mục tiêu lớn hơn trong tương lai. Với từng mục tiêu hãy đặt ra từng bước để thực hiện những mục tiêu ấy.
Nếu như đó là một mục tiêu lớn như đỗ vào ngôi trường cấp 3 mình yêu thích, phù hợp với năng lực của bản thân, hay đơn giản chỉ là đạt điểm cao trong môn học mình chưa tốt,... các em hãy chia nhỏ nó ra để thực hiện. Cứ mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ trong mục tiêu lớn hãy tự treo phần thưởng để khích lệ bản thân nhé!
4. Tự phệ bình thường xuyên:
Dựa vào cuốn nhật kí ghi chép hằng ngày, các em hãy tự nghiêm khắc phê bình bản thân đối với những việc mình chưa hoàn thành, như vậy chính các em cũng sẽ tự nhận ra mình chưa tốt ở điểm nào và có thể khắc phục ngay.
Hãy sống đúng với chính mình bằng kỹ năng tự nhận thức bản thân nhé. Mong rằng với những mẹo nhỏ trong bài viết này có thể giúp các em tự tin và thành công hơn!